Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

Làm báo - ước muốn và hiện thực

Tôi có vài người bạn rất thích làm nghề báo chí, nhưng chưa từng làm báo thực thụ ngày nào. Xem ra họ - cũng như độc giả của báo chí - chỉ thấy sự vinh quang về mặt danh tiếng xã hội - cái dễ thấy của nghề này. Cũng phải thôi, vì mặt khuất nghề báo ngay cả những người làm báo rồi cũng không dễ thấy.
Nhiều người vẫn tưởng có khiếu viết báo là có thể làm báo. Thật ra năng khiếu chỉ là một trong hàng tá điều kiện cần và đủ của một nhà báo. Nếu không hội đủ, nó vẫn mãi là năng khiếu và bị thui chột dần theo thời gian.
Ngoài kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Nói cách khác là kỹ thuật viết báo (kỹ năng cứng), còn bao nhiêu thứ khác phải được trang bị khi bước vào nghề mà người ta gọi là kỹ năng mềm.
Trước hết, cần có một nền tảng kiến thức văn hóa, xã hội kinh tế tương đối rộng và sâu và càng sâu về một lĩnh vực nào đó (tương tự 1 chuyên gia. Để có được điều này cần phải học và đọc - đọc thật nhiều.
Cần có phương pháp tiếp cận mọi đối tượng. Nhiều người vì cái "tôi", không chịu "chơi" với những đối tượng mình không thích, hoặc ghét. Như vậy họ đã tự tước bỏ của bản thân nhiều cơ hội tiếp nhận thông tin - thứ chất liệu cơ bản của báo chí - và không chỉ thế, họ bị mất luôn cả nguồn thông tin mà lẽ ra sau này là nguồn cung cấp thường xuyên cho họ. Ngoài ra, trong nội bộ một cơ quan báo, họ không chịu hòa nhập. Trường hợp này cũng tương tự như bỏ qua những mối quan hệ ngoài xã hội. Vì bản thân những người phóng viên khác đôi khi là nguồn cung cấp thông tin vô tận cho họ, vì họ đi nhiều, quen biết nhiều, phát hiện nhiều đề tài. Nhưng do sự phân công, họ có thể không viết (vì không thuộc lĩnh vực mình phụ trách). Ngoài ra, những phóng viên kỳ cựu còn là trung gian có thể giới thiệu cho mình rất nhiều người có thể là nguồn khai thác thông tin. Nếu không tạo được mối quan hệ tốt trong cơ quan - người nhà - thì phóng viên mới không thể nào làm tốt được chuyện này ngoài xã hội - là môi trường hoạt động chủ yếu của mình.
Tóm lại, nếu chấp nhận làm báo, cần gạt cái tôi sang bên, phải dấn thân không sợ hãi mới có thể thành công. Quan trọng là phải vượt qua được những cản ngại tâm lý mà một người tầm thường thường hay mắc phải.
(Sẽ bàn tiếp về chuyện này lần tới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét