Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

Làm báo - ước muốn và hiện thực

Tôi có vài người bạn rất thích làm nghề báo chí, nhưng chưa từng làm báo thực thụ ngày nào. Xem ra họ - cũng như độc giả của báo chí - chỉ thấy sự vinh quang về mặt danh tiếng xã hội - cái dễ thấy của nghề này. Cũng phải thôi, vì mặt khuất nghề báo ngay cả những người làm báo rồi cũng không dễ thấy.
Nhiều người vẫn tưởng có khiếu viết báo là có thể làm báo. Thật ra năng khiếu chỉ là một trong hàng tá điều kiện cần và đủ của một nhà báo. Nếu không hội đủ, nó vẫn mãi là năng khiếu và bị thui chột dần theo thời gian.
Ngoài kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Nói cách khác là kỹ thuật viết báo (kỹ năng cứng), còn bao nhiêu thứ khác phải được trang bị khi bước vào nghề mà người ta gọi là kỹ năng mềm.
Trước hết, cần có một nền tảng kiến thức văn hóa, xã hội kinh tế tương đối rộng và sâu và càng sâu về một lĩnh vực nào đó (tương tự 1 chuyên gia. Để có được điều này cần phải học và đọc - đọc thật nhiều.
Cần có phương pháp tiếp cận mọi đối tượng. Nhiều người vì cái "tôi", không chịu "chơi" với những đối tượng mình không thích, hoặc ghét. Như vậy họ đã tự tước bỏ của bản thân nhiều cơ hội tiếp nhận thông tin - thứ chất liệu cơ bản của báo chí - và không chỉ thế, họ bị mất luôn cả nguồn thông tin mà lẽ ra sau này là nguồn cung cấp thường xuyên cho họ. Ngoài ra, trong nội bộ một cơ quan báo, họ không chịu hòa nhập. Trường hợp này cũng tương tự như bỏ qua những mối quan hệ ngoài xã hội. Vì bản thân những người phóng viên khác đôi khi là nguồn cung cấp thông tin vô tận cho họ, vì họ đi nhiều, quen biết nhiều, phát hiện nhiều đề tài. Nhưng do sự phân công, họ có thể không viết (vì không thuộc lĩnh vực mình phụ trách). Ngoài ra, những phóng viên kỳ cựu còn là trung gian có thể giới thiệu cho mình rất nhiều người có thể là nguồn khai thác thông tin. Nếu không tạo được mối quan hệ tốt trong cơ quan - người nhà - thì phóng viên mới không thể nào làm tốt được chuyện này ngoài xã hội - là môi trường hoạt động chủ yếu của mình.
Tóm lại, nếu chấp nhận làm báo, cần gạt cái tôi sang bên, phải dấn thân không sợ hãi mới có thể thành công. Quan trọng là phải vượt qua được những cản ngại tâm lý mà một người tầm thường thường hay mắc phải.
(Sẽ bàn tiếp về chuyện này lần tới)

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Nuôi chim thiên hạ


Trong khi nhiều người hành hạ loài chim đủ kiểu như bắt ăn thịt, nuôi làm cảnh, phóng sinh… sau khi nhốt chúng đến gần chết… có một người không làm như vậy. Bà cũng nuôi, nhưng là đàn chim của… thiên hạ!

Hàng ngày, lúc còn tờ mờ sáng, bác Nguyễn Thị Nhàn đã có mặt cạnh cổng Cung văn hóa Lao Động ở số 55B, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM. Bác Nhàn buôn bán thuốc lá và nước giải khát ở đây nhiều năm qua. Gia tài của bác là chiếc tủ thuốc kiêm quầy pha chế. Trong xe, ngoài hàng để bán luôn có một thứ hiếm thấy ở thành phố và chẳng liên quan gì đến công việc bán buôn của bác Nhàn. Đó là 2-3 bịch nylon đựng lúa.
Khi mặt trời hắt những tia nắng đầu tiên lên đỉnh các tòa nhà cao tầng, đó cũng là lúc lúa của bác Nhàn phát huy tác dụng. Một con. Hai con. Rồi bổng nhiên cả đàn hàng chục con bồ câu từ đâu sà xuống phần vĩa hè rộng, vốn là bãi đậu xe có thu phí. Đã thành phản xạ có điều kiện, cứ vào giờ đó đàn bồ câu bắt đầu đến chờ được cho ăn. Bác Nhàn, vội lấy bịch lúa vàng óng từ trong xe đẩy, vãi ra cho chúng. Mặc cho dòng người, xe ồn ào chen nhau đến nơi làm việc buổi sáng, lũ bồ câu vẫn ung dung mổ từng hạt lúa. Vãi hết bịch lúa, bác Nhàn đứng ngắm đàn chim, miệng nhẩm đếm. Một thoáng buồn hiện lên trong khóe mắt người phụ nữ 75 tuổi, bác chép miệng: “Lại bị bắt mất cả chục con rồi!”.
Bác Nguyễn Thị Nhàn gốc dân Châu Đốc, An Giang. Nghèo nên bác lên TPHCM kiếm kế sinh nhai hơn 20 năm nay. Lúc đầu thử làm đủ nghề, nhưng không vốn, lại chẳng có nghề nghiệp chuyên môn gì nên cuối cùng bác đành chấp nhận sống qua ngày bằng nghề bán hàng lặt vặt này. Ở đâu không biết, nhưng ở TPHCM, những nghề sống bám vĩa hè vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì người đông, khách mua nhiều, ngày bán chạy cũng kiếm lời được gần 100.000 đồng. Khó là do vĩa hè thỉnh thoảng bị giải tỏa, có hôm tiền lời chỉ đủ nộp phạt. Cho nên nghe nói vĩa hè được cho thuê, bác mừng lắm, vì làm ăn sẽ ổn định hơn. Tuy nghèo là vậy, bác Nhàn lại giàu tấm lòng đối với chim muông. Dù có buôn bán được hay không, hàng ngày bác vẫn mua ít nhất 2 bịch lúa, mỗi bịch 6.000 đồng cho chim ăn.
Cái duyên kỳ ngộ giữa bác Nhàn với đàn chim bắt đầu từ một dịp tình cờ. Cách nay chừng 5 năm, một hôm bác đang ăn trưa thì có cặp bồ câu đáp gần đó. Ở thành thị chúng đâu dễ kiếm thức ăn. Nghĩ vậy, bác lấy phần cơm hộp ít ỏi còn lại cho bồ câu. Từ hôm đó trở đi, chẳng biết có phải tiếng lành về người phụ nữ tốt bụng đã lan nhanh trong lũ bồ câu khu vực này hay không, chỉ biết chúng kéo đến mỗi ngày một đông. 1 hộp cơm không đủ cho người ăn, lấy đâu ra cho chúng! Bác Nhàn nhịn bớt số tiền lời ít ỏi mỗi ngày mua lúa nuôi chim. Ban đầu chỉ có bồ câu, thời gian sau đàn chim sẻ cũng kéo tới. Thường bồ câu ăn xong mới tới lượt chim sẻ. Chúng thay phiên nhau nhặt hết lúa trên vĩa hè. Bác Nhàn tâm sự: “Tui sống một mình nên mỗi ngày nhìn đàn chim lại thấy vui vui”. Cảnh tượng hiếm có đó cũng khiến những người ngồi uống nước tại quầy của bác Nhàn vui lây.
Gần đây bác Nhàn tỏ ra lo lắng, vì bồ câu bị một số người bắt liên tục. Bác cho biết lúc đông, đàn bồ câu có tới hơn 80 con, lúc này chỉ còn một nửa. Hầu hết bồ câu bị những người đàn ông buôn bán vĩa hè đến bắt để ăn thịt. Họ ngang nhiên bắt, đập đầu, vặt lông chúng tại chỗ mà bác chẳng làm gì được, vì cái lý của họ là “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”, đâu phải của bác mà cản. Bác Nhàn buồn: “Tui nghèo nhưng không mơ ước gì cao sang. Chỉ mong đàn bồ câu này còn mãi để làm bạn với tôi, cả sau ngày tôi nhắm mắt!”.
Trần Nghị