DƯỚI CHÂN HÒN RÙA

( Truyện phiêu lưu  - đang viết)

I.   Mùa biển động

Huy rùa nằm trên tảng đá to, phẳng phiu như bộ ván ngựa ở nhà. Gió ngoài khơi xa khi đến bờ đã mất năng lượng, chỉ đủ sức lùa nhẹ từng cơn qua tán cây, hốc đá. Những con sóng biển nhỏ to không ngớt thi nhau vỗ vào vách núi. Bóng cây nhãn rừng phủ mát tảng đá nơi Huy rùa nằm. Tất cả những thanh âm và hơi thở muôn đời của biển ru nó ngủ ngon lành.
Một giọt.
Hai giọt.
Rồi nhiều giọt.
Những giọt mưa bắt đầu thi nhau xuyên qua kẻ lá rớt xuống mặt làm Huy rùa tỉnh giấc. Nó cồm cồm ngồi dậy, gạt cành cây tạo nên khoảng trống để nhìn ra xa. Màng mưa ngoài khơi che khuất chân trời. Gió đẩy mây, mây đưa mưa tiến nhanh về phía hòn Rùa. Chẳng mấy chốc, bóng những vạt rừng trên đỉnh núi bổng nhạt nhòa, mờ ảo trong bóng mưa và mây. Huy rùa lật đật với tay hái mấy chùm nhãn chín rồi nhảy ào xuống đất, đi tìm chỗ trú ẩn. Nó không quên xách theo cái thùng khá nặng đựng đầy con vòm vừa lặn mò đưới chân đảo lúc sáng.
Là dân đảo chính gốc, 16 tuổi sống ở đây cho Huy rùa thừa kinh nghiệm để biết mùa biển động mưa nhiều, dai dẵng như thế nào. Cho nên nó biết chắc cần phải làm gì trong thời tiết này. Đường về nhà mãi tận xóm Ba nơi đầu đảo, trong khi lúc này Huy rùa lại ở cuối đảo nên nó quyết định vào Sơn Linh Động trú mưa. Trên đường Huy rùa còn nhanh tay hái mấy trái ớt hiểm mẳn, một loại ớt mọc từ phân chim, tuy nhỏ bằng đầu đũa nhưng cay xé lưỡi, hiếm có người ăn được quá hai trái trong một bữa cơm.
Sơn Linh động là một hang đá nằm trên lưng chừng núi. Hang không rộng, nhưng sâu. Nghe nói từ xưa tới giờ chưa ai trên đảo có thể đi hết hang này, vì bên trong tối om, độ ẩm cao nên đuốc không cháy và đèn pin không thể hoạt động. Lòng hang có một con suối nước chảy róc rách suốt ngày đêm. Vì vậy, Sơn Linh Động là một nhà máy cấp nước tự nhiên cho cả đảo trong mùa khô hạn. Các xóm nhà trên hòn Rùa này chỉ cần mua ống nước loại nhỏ bằng ngón tay, đặt một đầu vào con suối trong hang rồi kéo về, như vậy nhà sẽ có nước sạch miễn phí xài quanh năm. Mấy năm gần đây, nghe nói ở hòn Rùa làm ăn được nên dân tứ xứ trong đất liền kéo ra đây lập nghiệp ngày càng đông. Chính quyền quản lý không xuể nên nạn phá rừng đầu nguồn diễn tiến như căn bệnh trầm kha, khiến lượng nước suối giảm nhiều. Hơn nữa, quá nhiều nhà vắt nước con suối này nên nó không còn đủ sức cấp nước cho đảo. Bây giờ chỉ cần vừa vào đầu mùa khô, dân hòn Rùa đã phập phồng lo thiếu nước vì suối Sơn Linh Động cạn queo.
Gió giật mạnh từng cơn qua cửa hang, tạo nên những tiếng rít liên hồi. Ngọn đèn bảo thắp bằng dầu lửa treo trên vách cạnh kệ thờ chỉ chao nhẹ, lúc tỏ lúc lu nhưng không bao giờ tắt, đủ sức soi cho Huy rùa tìm một chỗ ngồi khô ráo. Cửa hang này vốn là miếu thờ sơn thần, do một ông già trông coi.  Do không phải thờ cúng theo một đạo giáo chính thống, mà chỉ là tín ngưỡng dân gian, nên người trông coi miếu thường được dân trên đảo gọi là ông Từ và mãi rồi chẳng ai nhớ tên thật của ông.  Chiếc lư hương trên kệ thờ vẫn còn cây nhang cháy dở, không đủ sức tỏa khói trước cái gió mùa biển động, chứng tỏ ông Từ chưa đi đâu lâu.
Ngoài trời mưa dông kéo tới mỗi lúc một lớn. Huy rùa cảm thấy đói. Nó vào góc bếp trong hang tìm củi  nhóm lửa. Chỉ một loáng những cây củi bị ẩm mốc bắt lửa, cháy lách tách và tỏa khói trùm khắp hang, đến nỗi Huy rùa phải chạy ra cửa hang vừa lau nước mắt, vừa ho sặc sụa. Khói tan, bếp lửa nhỏ đã có than hồng. Huy rùa lấy cái vỉ sắt ông Từ thường dùng nướng khô bắt lên bếp, rồi đem thùng vào bắt từng con vòm to bằng cườm tay để lên vỉ. Vòm nóng lên, nhả nước xuống lớp than củi nghe “xèo, xèo” và bốc lên một mùi khen khét đặc trưng của các món nướng loài nhuyễn thể, khiến bụng Huy rùa càng thêm cồn cào. 
Một con vòm mở miệng mời gọi, Huy rùa không nhịn được. Nó lấy đũa gắm con vật đang tỏa hơi nghi ngút, bóc phần thịt định cho vào miệng. Ngay lúc đó một mái tóc bạc dưới hang nhô lên.
-          Ông từ!
Huy lúng túng chào ông già. Ông Từ nhìn nó không chào mà nói ngay:
- Ống nước nhà bà Tư Nì dưới xóm bị tắt, ông lần mò sửa tự giờ. Trời mưa dông như vầy, không xuống xóm được để coi nó thông chưa. Cháu cứ ăn đi, giờ về đường trơn, té chết.
Thằng Huy rùa gật đầu, rồi lúi cúi xem lại số vòm trong thùng. Xong, nó nhìn ra cửa hang. Trời vẫn mưa gió mịt mù. Hiểu ý, ông Từ hỏi:
- Đói rồi phải không? Ông cũng đói. Hay ở đây ăn cơm với ông?
- Dạ, vậy cũng được. Vậy mình xử luôn thùng vòm nghe ông!
Trong khi ông Từ lấy gạo nấu cơm, Huy rùa đi lấy củi nhóm thêm một bếp nữa, cái để nấu cơm, cái kia để nướng vòm. Ông từ bắt nồi cơm lên bếp xong, lấy cái nồi khác nấu nước. Huy thắc mắc :
-         Ông định nấu thêm món nào nửa?
- Nấu nước nhúng thịt vòm ăn cho đã. Lâu rồi thèm món này, nhưng sức của ông bây giờ yếu quá, không dám lặn.
Ông Từ phân công Huy rùa làm nước mắm, đâm muối ớt và tách vỏ vòm lấy thịt. Còn ông lật đật mặt áo mưa bước vội ra khỏi cửa hang. Lát sau ông từ trở vào với nắm lá bứa xanh non trên tay. Rửa sạch, ông cho lá bứa vào nồi nước vừa bắt đầu sôi, bỏ thêm ít muối hạt và bột ngọt. Bứa là loài cây nhỏ, mọc hoang trên đảo, lá có khía, trái và lá có vị  chua như dấm (nên trong đất liền còn gọi là cây dấm), được dùng để nấu canh chua. Lát sau mọi thứ đã xong, ông Từ bưng cả cái nồi đang sôi và bếp lửa cháy ngun ngút xuống để giữ nền hang. Huy rùa nhanh chóng lất chén đũa, nước mắm và muối ớt, vòm nướng và thịt vòm tươi dọn ra. Ông Từ gắp từng miếng thịt vòm trụng vào nồi nước rồi gấp ra chén cho cả hai. Sực nhớ ra điều gì, ông Từ vội đứng dậy, vào góc miếu. Rồi ông lấy ra keo rượu đế ngâm rể cây nhàu tươi cười :
-Ăn món này không có rượu đau bụng chết.
Rồi ông Từ ngồi xuống, cẩn thận lấy cái cốc nho nhỏ múc đầy. Ực một miếng, tay vỗ đùi, miệng chép chép vẻ khoan khoái, ông Từ đưa lưng nửa cốc rượu còn lại cho Huy rùa. Nó lắc đầu, ông Từ nài :
-Làm một miếng cho ấm bụng !
Nể quá, Huy hớp một ngụm rồi nhăn mặt. Mấy phút sau mặt nó đỏ phừng trong ánh đèn bảo giữa hang động. Ông Từ nhìn nó cười và hỏi :
- Lúc này vòm còn nhiều không cháu?
- Phải lặn xa chân hòn, gần rạn san hô mới có - Huy rùa trả lời.
Ông Từ thở dài. Thời buổi người khôn của khó. Trên đảo bây giờ người các nơi đến ở quá đông, lại ngay lúc vỏ vòm bị người ta thu mua ráo riết để về làm xà cừ cẩn đồ gỗ, sơn mài nên con vòm bị khai thác đến mức không còn chỗ nương thân.
Nhấp thêm mấy ngụm rượu nữa, ông Từ có vẻ đã ngà ngà và bắt đầu nói chuyện nhiều hơn cái vẻ bề ngoài trầm lặng của một người trông coi miếu. Bất chợt ông hỏi :
- Cháu có khi nào mò vòm khu bãi Dứa chưa?
Không đợi Huy rùa trả lời, ông Từ nói luôn:
- Gần tảng đá Bà Già có một cái chum cổ. Ông phát hiện nó lâu rồi, nhưng chưa mở ra được coi ở trong chứa cái gì. Chắc là quý lắm.
- Vậy bây giờ cái chum ở đâu, ông? - Huy rùa không khỏi tò mò.  
Ông Từ không trả lời. Huy rùa bị kích thích bởi chuyện cái chum, nó ăn vội vàng cho xong, rồi nhanh chóng dọn dẹp mọi thứ. Ông Từ lấy chiếc chiếu cũ rách bươm ra nằm. Huy rùa nằm nép mình bên cạnh chờ đợi câu chuyện của ông Từ tiếp tục. 
Ngoài trời đã tối hẳn, mưa gió vẫn rít qua cửa hang từng cơn. Nhưng có lẽ ông Từ đã say nên Huy rùa chỉ nghe tiếng ngáy, bỏ dở câu chuyện của ông. Nó quyết định ngủ lại với ông Từ, đợi đến sáng mới dám băng đường núi về nhà. Đêm đó giấc ngủ của Huy rùa chập chờn với bao điều tò mò về cái chum cổ.

***
Sáng sớm, những cơn gió mang khí lạnh từ biển, từ rừng núi luồn vào hang đánh thức Huy Rùa. Nó chồm dậy, dụi mắt, ngó quanh. Ông Từ đi đâu mất tự lúc nào. Huy Rùa ra cửa hang, nhìn ra biển khơi rồi ngoái nhìn lên đỉnh núi. Mây mưa vẫn phủ ín đỉnh núi, nhưng chỉ còn mưa lất phất. Chẳng biết trong đất liền mưa ra sao, chứ mưa ở đảo cứ như muốn kéo dài từ ngày này qua ngày nọ, tranh thủ lúc ngớt mưa này để về nhà mới được - nó nghĩ thầm.