Làm truyền hình đơn giản thôi

Mục này để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm  truyền hình đối với  phóng viên mới.

Lời nói đầu

Do phương pháp đào tạo tại Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề và khác với các nước phát triển, nên phần đông người mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành truyền hình thường rất lúng túng khi tác nghiệp. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi may mắn được dự nhiều khóa đào tạo, tập huấn của các tổ chức quốc tế, được nhiều thầy người Mỹ, Australia, Sri Lanca, Singapore, Indonesia... chỉ dẫn, nên đã đúc kết được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong suốt quá trình hơn 28 năm làm truyền hình. 
Thật ra làm truyền hình không khó như nhiều người tưởng, quan trọng nhất là bạn phải nắm được những vấn đề cơ bản và vận dụng nó để sáng tạo. Tôi sẽ lần lượt chia sẻ những gì mình có với các bạn.


Lưu ý: Đây là phần tài liệu biên soạn để in sách, chỉ được tham khảo và chia sẻ. Nếu các bạn muốn sử dụng mục đích khác phải liên hệ với tác giả qua email: nghisggp@gmail.com.


***

1.Hãy quên những định nghĩa
Các giáo trình đào tạo báo chí  ở Việt Nam, trong đó có khoa truyền hình, thường chú trọng các khái niệm mang tính hàn lâm.

Vì vậy, sự lúng túng ban đầu không thể tránh khỏi và đây là trở ngại đầu tiên trong quá trình "tiêu hóa kiến thức" của phóng viên mới. Chẳng hạn về tin, người ta phân chia quá nhiều thể tài như tin vắn, tin ngắn, tin sâu, tin bình...; về phóng sự có phóng sự, phóng sự ngắn, phóng sự nghệ thuật; phóng sự tài liệu, tài liệu...

Trong khi truyền hình của các nước phát triển chia loại thể rất đơn giản, họ không quá chú trọng mặt lý thuyết. Vấn đề ở chỗ nội dung (chất lượng thông tin) có tốt hay không, hình thức thể hiện (thể loại) có phù hợp? Bởi lẽ dù sao lý thuyết thể loại chỉ mang tính tương đối, trong thực tế chẳng ai thực hiện đúng chuẩn mực bao giờ.

Người Mỹ, ngoài giải trí, quảng cáo..., những gì chuyển tải thông tin thời sự đến khán giả truyền hình đều là phóng sự. Bởi lẽ xét về mặt nội dung, phóng sự thực chất là kể lại một câu chuyện có thật. Như vậy, tin tức cũng dùng để kể nhanh một câu chuyện theo cách thật ngắn gọn. Như vậy mọi việc quá phức tạp.

Tuy nhiên, chúng ta làm truyền hình trong điều kiện thực tế Việt Nam, cho nên vẫn có những khác biệt so với phần còn lại của thể giới. Tôi sẽ không đề cập đến những khác biệt đó và nguyên nhân của nó, bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề thuộc lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị...  hết sức phức tạp.

Ở đây, theo quan sát những gì thường xuyên xuất hiện trên chương trình thời sự của các đài  truyền hình, tôi nhận thấy có 2 nhóm thể loại: tin và phóng sự.

Nói như ở trên, chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp sáng sáng tạo ra 2 loại tác phẩm kể chuyện: 1 loại kể vắn tắt, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu (tin); loại thứ 2 là tác phẩm kể chuyện nhiều chi tiết, có diễn biến (phóng sự).
Với cách tiếp cận này, mọi việc đã dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Phương pháp phóng sự

Phóng sự là kể lại câu chuyện.
Do đặc trưng của lĩnh vực  lĩnh vực báo chí phải đảm bảo tính chân thật, nên câu chuyện của báo chí nói chung khác với văn học - nghệ thuật ở chỗ không được quyền hư cấu, không thêm thắt (đối với truyền hình, do kể chuyện bằng hình ảnh, cho nên hình ảnh - nếu dàn dựng khi cần thiết - phải đảm bảo có diễn ra trong thực tế).

Vấn đề quan trọng nhất trong phương pháp phóng sự là cách kể lại câu chuyện.

Do ảnh hưởng nền văn hóa dân tộc, lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn dân gian, cộng thêm tâm lý muốn câu chuyện "có đầu có đũa", nhiều phóng viên - nhất là phóng viên mới - thường kể chuyện theo phong cách dân gian. Đây không phải là phương pháp sai, nhưng trong nhiều trường hợp lại không hay.

Phương pháp dân gian đó thực chất là diễn biến theo thời  gian tuyến tính. Nghĩa là trình tự thông thường: bắt đầu, phát triển (diễn biến), kết thúc (kết quả).
Ví dụ như câu chuyện ai cũng biết là rùa và thỏ chạy đua được kể trong dân gian theo trình tự: Một hôm thỏ và rùa thách nhau thi chạy đua - rùa bày kế nên suốt đường đua thỏ luôn bị dẫn đầu - rùa thắng cuộc.
Bạn có thấy cách kể này nhàm chán không?
Nếu đã đồng ý với tôi, bạn có thể kể lại câu chuyện theo cách khác: thời gian phi tuyến tính.
Chẳng hạn, ta có thể khởi đầu bằng "sự kiện chấn động" để tạo sự chú ý bằng cách lấy kết quả để dẫn dắt câu chuyện:
- Thành ngữ có câu "chậm như rùa". Thế nhưng rùa đã thắng thỏ - một vận động viên chạy nước rút - trong một cuộc đua có một không hai.  

Chúng ta cũng có thể chọn một diễn biến nào đó trong câu chuyện để bắt đầu:

- Mặc cho chú thỏ cố hết sức, nhưng trên đường đua với loài vật nổi tiếng chậm chạp là rùa, nó liên tục bị dẫn trước. Rùa làm gì để tạo được kết quả ấn tượng như vậy trong cuộc đua không cân sức?

Với hai ví dụ nêu trên,chúng ta có thể thấy nhịp điệu câu chuyện đã khác hẳn. Đảo lộn trình tự thời gian (các diễn biến) chính là tạo nên tiết tấu cho câu chuyện. Và chính điều này tạo nên hiệu quả cho phóng sự.

Như vậy, chúng ta có thể xác định phương pháp phóng sự hiện đại không câu nệ về hình thức. Chính đều này mở ra khả năng sáng tạo vô hạn cho phóng viên.

(còn tiếp)