Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

3 người bạn vừa khuất núi

Bận bịu cả tháng nay nên bỏ bê Lang Thang Ký.
Chẳng là ngoài công việc cuối năm dồn dập, tháng này chẳng hiểu sao 3 người bạn (đều là đồng nghiệp ở cơ quan cũ: một nhà báo, một đạo diễn phim tài liệu, một xướng ngôn viên - MC) đều lâm bệnh và lần lượt ra đi. Bận thì ít, buồn lại nhiều nên chẳng còn hứng thú cho 2 công trình còn mới bắt đầu.
Chắc phải một tuần nữa mới lấy lại phong độ viết tiếp. Mong bạn bè thông cảm!

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

LANG THANG KÝ: Chuyện ma Vùng Miệt Thứ – U Minh

"Đề tài sưu tầm và nghiên cứu Chuyện maVùng Miệt Thứ – U Minh "

Góc quê buồn

Vùng rừng U Minh ngày xưa vốn nổi tiếng “khỉ ho cò gáy”, vậy mà bây giờ có tuyến quốc lộ làm bằng xi măng đầu tiên trong cả nước - Quốc lộ 63 nối kiền Kiên Giang với Cà Mau - láng vo, thẳng băng, xe chạy ào ào. Bờ sông vắng suốt tuyến đường nay nhà cửa chen kín, bến nước  trẻ con thường tắm sông đã không còn. Sự đổi thay đó lẽ ra là điều đáng mừng. Nhưng bức tranh dang dở về sự đổi thay này vẫn lẫn khuất đây đó những mảng tối...  

Phà sang Miệt Thứ


1- Ngay trên con sông Xáng chạy xuyên vùng Miệt Thứ trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam cũng vắng bóng chiếc xuồng ba lá thân quen. Người ta đã thay đổi phương tiện đi lại, hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy. Xóm tôi có người còn sắm cả xe hơi hàng hiệu đời mới. Tuy quần cư đông đúc, nhưng xóm làng có phần kém vui. Ngay cả những ngày lễ tết, không khí hội hè cũng không còn rộn ràng như trước. Xem ra tình nghĩa xóm giềng giờ đã nhạt phai nhiều. Điều đáng buồn sự phai nhạt đó lại hình thành từ khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, mọi thứ được trao đổi và định đoạt bằng tiền.
Trong bận về thăm quê gần đây, tôi lại được tận mắt chứng kiến một trong những cảnh buồn của làng quê miền Tây: tranh chấp đất đai. Do tuyến quốc lộ đi qua khu chợ chật chội của thị trấn, ngành giao thông vận tải phải xây dựng con đường tránh. Đường chưa được liền lạc, tình người đã đứt đoạn. Những thửa đất ruộng hoang, vườn tạp đầu thừa đuôi thẹo trước kia không ai thèm ngó, nay bổng dưng được Nhà nước bồi thường giá cao, nên xảy ra tranh chấp. Nhiều gia đình trước kia tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng bây giờ chỉ vì chưa đầy 1m2 đất bổng xảy ra xích mích, rồi dựng hàng rào ngăn cách. Ngay cả anh em ruột thịt trong gia đình cũng không thèm nhìn mặt nhau vì tấc đất.
Bà Năm - người phụ nữ gần 80 tuổi ở xóm tôi - bùi ngùi: “Tôi từng tuổi này rồi vẫn phải nặng lòng với con cháu. Ông nhà theo ông theo bà mấy năm trước, chục công đất và miếng đất vườn nho nhỏ chưa kịp phân chia. Vậy là tụi con xúm lại giành phần. Thằng lớn lấy hết đất ruộng còn thòm thèm miếng đất vườn có mồ mã ông bà đây. Nhưng tui còn nên nó chưa dám. Đứa con gái út mất phần, nên giận, rồi đi bỏ xứ. Chồng nó cũng bỏ con lại, về quê luôn”. Sức yếu, bà Năm lại gánh thêm mấy đứa cháu ngoại. Hàng ngày bà chỉ còn biết nhặt nhạnh cây trái trong vườn bán kiếm tiền nuôi cháu qua ngày. Trớ trêu vườn tược ở xứ này giống nhau ở chỗ cây gì cũng có, nhưng mỗi thứ chỉ một ít. Đó là kết quả của phong trào cải tạo vườn tạp bằng… vườn tạp mới! Trước kia  có một vị Chủ tịch huyện luôn mang theo hạt giống rau cải, đi đâu ông cũng khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp để “làm kinh tế” - như ông nói. Cả huyện làm theo ông, rồi nhà nào cũng có rau ngon, trái ngọt. Nhưng lúc đó mọi người mới nhận ra sản vật của họ chẳng ai thu mua. Do chẳng ai chịu kém ai, nhà nào cũng muốn vườn mình phải có cây trái hơn hẳn, mỗi nhà trồng một thứ, rau quả không đồng đều cả về chủng loại lẫn chất lượng. Người ta lại bỏ vườn.

2- Câu chuyện của bà Năm được nối tiếp bởi gia cảnh của những người như chị Huỳnh, anh Thiệp… ở cùng xóm.
Chị Huỳnh bỏ học phổ thông, sớm lập gia đình và có đến 5 đứa con sinh năm một. Con đông, lại có tuổi xấp xỉ nhau nên chỉ lo chuyện ăn học cho chúng vợ chồng chị già đi nhanh trông thấy. Nhưng với cả hai, cái già vẫn chưa đáng lo bằng sự túng quẩn. Dù gắng hết sức, ruộng đất nhà chị Huỳnh vẫn cứ lần lần về tay người khác theo bước chân đến trường của bầy con. Đã vậy, bây giờ chỉ có 2 đứa theo được đến bậc học trung cấp và cao đẳng, 3 đứa ở tuổi trưởng thành còn lại đã dừng chuyện học hành và chỉ sống bám vào cha mẹ. Đáng ngạc nhiên, dù trở thành nhà nghèo như vậy, nhưng trong căn nhà lá ấy có đủ dàn karaokê, tủ lạnh… Mấy đứa con của chị đều có điện thoại di động. Hỏi ra mới biết, đó là kết quả của những lần bán đất. Bây giờ sắp hết ruộng và đất thổ cư, chị dọn nhà ra mảnh đất ruộng nhỏ xíu còn lại cất lên căn nhà này.
Còn gia đình anh Thiệp sống bằng nghế ruộng, nhưng năm rồi vợ anh đột nhiên đứng ra làm chủ hụi kiêm luôn chủ cho vay “nóng”. Cả xóm này hầu hết sống bằng nghề nông, không ai có đủ khả năng khiến đồng vốn sinh lợi cao và nhanh như lãi suất cao ngất của nạn cho vay “nóng”. Vậy mà vẫn có nhiều người, theo anh Thiệp - có lẽ vì quá túng nên liều, đến vay “bạc hỏi”, để rồi vỡ nợ. Hậu quả là mọi người kéo nhau ra tòa, có người trốn biệt xứ. Vợ chồng anh Thiệp phải bán hết 10 công đất ruộng để bồi thường. “Nông dân mà không có ruộng thì khó sống rồi!”, anh Thiệp đúc kết trong tiếng thở dài. 

Tìm cái ăn giữa sông nước mênh mông

Trưa, tiếng loa treo trên cột điện của đài truyền thanh phát văng vẳng bản tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm rồi. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người xứ này tiếp tục tăng, nhưng vẫn còn tồn tại sự phân cực giàu - nghèo. Trong khi dưới đất, chiếc xe hơi của ông hàng xóm mua cho cậu quý tử đang bật nhạc chói tai, từ từ lăn bánh trên đường như một thú chơi thời thượng của cậu. Mấy năm nay, ông hàng xóm vốn ban đầu chỉ làm nghề bán hàng xén. Nhờ tích cóp được lưng vốn, lại gặp thời, đã bung ra buôn bán vật liệu xây dựng rồi giàu lên. Dư tiền, ông mua lại đất của dân trong xóm. Đến giờ ông có trong tay mấy trăm công đất để cho thuê lại. Sau mỗi vụ, ông thu về cả ngàn giạ lúa. Còn bà Năm và nhiều người nông dân nghèo trong xóm, có lẽ chẳng bao giờ hiểu được sự phân cực đó như thế nào và ở đâu, dù nó lồ lộ trước mắt. Chiều về, trẻ con trong xóm kéo ra đồng đạp gốc rạ làm sân đá bóng. Mùa này khô, cánh đồng vẫn còn hằn sâu dấu chân của cha mẹ chúng - những người nay phải làm ruộng thuê trên chính mảnh đất của mình.
Đêm vùng U Minh không còn nghe tiếng “muỗi kêu như sáo thổi” vì rừng đã lùi rất xa. Thèm nghe một tiếng đàn guitar phím lõm hay tiếng hát nghêu ngao một câu vọng cổ trên sông, nhưng một trong những cái nôi của nền ca nhạc cải lương Nam bộ nay chỉ còn vọng lại thứ nhạc mà nghe như ai đang cãi nhau, cứ xập xình, nhạt nhẽo vọng sang từ bên “khu liên hợp” quán nhậu - cà phê sân vườn - nhà nghỉ. Xóm này không phải điểm du lịch, lại chẳng phải chốn nghỉ chân của khách tham quan, nhưng nhà nghỉ bình dân vẫn mọc khắp nơi và tấp nập những cặp khách vốn dĩ là nông dân, thu nhập hàng tháng chẳng bao nhiêu, đến thuê theo giờ.
Trần Nghị