Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Công nghệ nhái


Vừa gặp tôi, Quân khoe mới đi Thâm Quyến về và mời sang cửa hàng chơi. Quân nói: “Anh ghé xem, lô hàng mới về toàn thứ độc, giá đẹp”. Cửa hàng bán máy tính và thiết bị số của anh tại cư xá Lữ Gia, quận 10, TPHCM. Tôi vốn là khách mối, nên Quân không ngại dẫn vào tận kho hàng. Căn phòng được lấy làm kho tuy nhỏ, nhưng chứa đủ loại hàng điện tử còn mới nguyên hộp xuất xứ từ Trung Quốc.

Máy tính bảng “trăm đô”

Mở chiếc hộp giấy bên ngoài in màu lòe loẹt, lấy ra chiếc máy tính bảng hiệu MID, hình thức giống chiếc iPad của hãng Apple nhưng nhỏ hơn, Quân nói một tràng về cấu hình kỹ thuật của máy: “Con này màn hình 7inch, ổ cứng flash dung lượng 8GB và hỗ trợ nâng lên 32GB. Tuy cảm ứng điện trở nhưng thao tác vuốt, chạm rất mượt, không thua iPad đâu nhé! Ngoài wifi, nó có hỗ trợ thiết bị mạng di động 3G qua cổng USB”.

Nói xong, Quân ra sức “chọt”, vuốt lên màn hình ứng dụng để kích thích cơn “nghiện” công nghệ của tôi. Tôi cầm thử trên tay, chiếc máy nhẹ tênh như món đồ chơi nhựa, nhìn kỹ màn hình và vỏ máy không sắc sảo như hàng cao cấp.

Lưng máy, trên hộp và tài liệu hướng dẫn sử dụng chỉ in nhãn hiệu MID, không có thông tin gì thêm về nơi sản xuất ra nó. Riêng tài liệu hướng dẫn rất sơ sài, chỉ có 4 trang gồm tiếng Hoa và Anh, in trên giấy ngà ngà vàng và nhỏ như tờ bướm.

Tôi tìm trên internet thông tin nhà sản xuất, nhưng tuyệt nhiên không thấy trang web nào của “hãng” MID, mà chỉ có nhan nhản những tin rao bán hàng máy tính bảng MID từ Việt Nam. Thấy tôi phân vân, Quân thuyết phục: “Con MID này quan trọng nhất là giá, chỉ có 100USD, trong khi máy tính bảng loại xịn giá cũng từ chục triệu trở lên”.

Tôi hỏi về chế độ bảo hành, Quân cho biết hàng này bên cung cấp (Trung Quốc) không bảo hành, nhưng các cửa hàng tại TPHCM bảo hành 3 tháng cho khách.

Ngại xài hàng “tiền nào của đó” như Quân phân bua, tôi tìm đến địa chỉ khác chuyên bán các loại máy tính bảng xuất xứ Trung Quốc trên đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Có lẽ buôn bán được nên Vi - chủ cửa hàng - mở thêm một cơ sở  khác tại đường Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6. Vi bày la liệt trên bàn những mẫu máy tính bảng hình thức và cả thương hiệu cũng na ná chiếc iPad nổi tiếng: aPad, ePad, Padnet, TiTi…

Sau khi nghe nhu cầu của tôi,  Vi giới thiệu chiếc ePad màn hình 10inch. “Con này độc lắm anh, nó chạy hệ điều hành Windows 7 nên cài ứng dụng và làm việc thoải mái. Màn hình cảm ứng điện dung đa điểm, chạy bộ vi xử lý Intel nên mạnh hơn iPad nữa. Giá của nó nếu giao hàng tận nơi trong TP là 6 triệu đồng, còn khách đến tận nơi em tính 5,9 triệu đồng”.

Vi cho biết thêm, pin của máy chỉ xài được hơn 2 giờ phải nạp lại, còn bảo hành chỉ 6 tháng và cũng như các máy tính bảng Trung Quốc khác, chỉ cửa hàng bảo hành chứ không phải nơi sản xuất. Thấy tôi  tỏ vẻ lo vì  thời hạn được bảo hành quá ngắn, Vi hứa hẹn: “Hư hỏng gì anh cứ mang đến, ở đây tụi em có đủ phụ kiện thay”. 

Bát nháo thị trường linh kiện, phụ kiện

Cùng làn sóng hàng nhái, giả, các loại linh kiện, phụ kiện (dân buôn bán gọi là “đồ chơi”) phục vụ dòng máy này tràn ngập thị trường. Có lẽ do máy tính bảng Trung Quốc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng thông thường, hay hư hỏng, nên linh kiện thay thế cho máy tính bảng được sản xuất và bán sang Việt Nam nhiều và đủ loại. Nếu ai chịu khó bỏ tiền và công sức ra, có thể mua linh kiện về tự ráp được chiếc máy tính bảng giống như việc ráp máy tính để bàn trước đây.

Huy, nhân viên một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương - mê máy tính bảng nhưng chỉ đủ tiền mua chiếc máy “trăm đô”, cho biết: “Sau khi đem về vọc khoảng 2 tháng, pin của nó hư luôn. Em mang đi bảo hành, họ tháo máy, lấy pin ra thay ruột. Hỏi thợ mới biết, hầu hết máy tính bảng Trung Quốc đều hư pin trước, rồi đến bộ phận khác. Cho nên ruột pin (gọi là cell) được nhập về rất nhiều. Cửa hàng còn dặn khi cần có thể mang máy ra thay màn hình, bo mạch chủ”.

Tại một cửa hàng chuyên sửa chữa, thay ruột pin của cô chủ tên Oanh trên đường 3 Tháng 2, quận 10, khách hàng đến thay cell cho các loại máy khá đông. Oanh cho biết cửa hàng có đủ loại cell để thay từ điện thoại di động, máy tính bảng đến máy tính xách tay. Hàng loại 1, giá bình quân 50.000 đồng/cell, loại 2 khoảng 45.000 đồng/cell. Loại 1 cũng là hàng sản xuất từ Trung Quốc, nhưng bên cung cấp có bảo hành 6 tháng, loại 2 bảo hành 3 tháng và cửa hàng không chịu trách nhiệm nếu có sự cố như pin cháy, nổ gây hỏng hóc máy.

Tại TPHCM hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sửa chữa máy tính, thay cell. Trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình có hẳn một công ty ngoài thay cell còn nhận thay cả bo mạch chủ máy tính bảng Trung Quốc và máy tính xách tay của những thương hiệu nổi tiếng như HP, Dell, Sony… Và dĩ nhiên những bo mạch chủ này đều là hàng trôi nổi, không có thông tin cơ sở sản xuất.       

Do máy tính bảng - kể cả máy hàng hiệu - có nhiều hạn chế trong việc sử dụng, đồng thời được dùng như món hàng thời trang nên nhu cầu “đồ chơi” rất lớn. Tại TPHCM có vô số nơi bán các loại “đồ chơi” máy tính bảng, trong đó chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều nhất là các loại bao da dành cho iPad, GalaxyTab - những chiếc máy thời thượng. Có những loại giá đắt gấp đôi so với hàng chính hãng. Kế đến là các loại cáp chuyển đổi tính hiệu.

Do máy tính bảng nghèo nàn về cổng kết nối nên nhu cầu của người dùng về cáp truy xuất dữ liệu phục vụ công việc và giải trí khá lớn. Thí dụ cáp chuyển tín hiệu từ máy ra tivi, máy chiếu. Ngoài ra còn có các loại nguồn sạc pin, loa, tai nghe có dây và không dây…  Hầu hết cửa hàng bán phụ kiện máy tính tại TPHCM, nhất là trên đường Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, quận 1 đều có bán các loại phụ kiện này.

Nền kinh tế đất nước đang “nóng” về chuyện nhập siêu. Nhìn con số chính thức đã thấy lo. Nhưng nếu liên hệ tới hiện trạng thị trường hàng tiêu dùng nội địa, ai cũng phải giật mình khi nghĩ đến lượng hàng trôi nổi đủ loại (trong đó có hàng công nghệ cao) nhập lậu về Việt Nam với lượng ngoại tệ chắc chắn không nhỏ.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận các cơ sở sản xuất hàng “chui” Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ cao, giá rẻ và nhạy bén thị trường. Trong khi các doanh nghiệp trong nước hầu như bỏ ngỏ sân chơi này.

TRẦN NGHỊ

Săn sim số đẹp


Thời gian gần đây, ngày nào tôi cũng nhận nhiều tin nhắn nội dung tương tự nhau: “Anh, chị có ý định bán lại số sim đang sử dụng không? Nếu có, xin cho giá và liên hệ số điện thoại 09xxxxyyyy”. Lần theo những số điện thoại này, tôi phát hiện một thị trường mua bán sim số đẹp rất sôi động.

Khổ vì số đẹp

Bạn tôi là doanh nhân, đang dùng số điện thoại thuộc loại đẹp với 4 số cuối là “tứ quý 9”. Để sở hữu số điện thoại 09xxxx9999, cách đây mấy năm anh phải săn tìm và mua lại qua người khác với giá 20 triệu đồng. “Mình là dân làm ăn, phải có số điện thoại đẹp, dễ nhớ, khách hàng và đối tác mới tin tưởng. Có người trả giá lên gấp đôi rồi đó” - khi đó anh khoe.

Anh cho biết thêm, hiện nay do nạn “sim cỏ” đi kèm những cú điện thoại không mong muốn, tin nhắn rác hoành hành nên nhiều người không nhận cuộc gọi khi thấy số điện thoại lạ, nếu có thì chỉ nhận cuộc gọi từ số đẹp. Nhưng rồi sự tự hào với số điện thoại vào hàng “xịn” của ông bạn tôi tan nhanh chóng.

Gần đây gặp lại, anh than: “Có nhiều khi giữa khuya, tin nhắn chào bán, hỏi mua số điện thoại đẹp cứ dội vào máy, bà xã tôi đâm nghi. Bây giờ giữ số này thật phiền, nhưng không sử dụng nữa lại gặp khó trong việc làm ăn”.

Hiện nay người sở hữu sim số đẹp không chỉ bị tin nhắn rác chào mua lại, mà còn gặp nhiều phiền phức khác. Anh Long - chủ một doanh nghiệp tin học trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình - từng bị cướp số điện thoại cũng có 4 số cuối “tứ quý 9” thuộc mạng MobiFone. Số điện thoại này anh Long đã tốn không ít tiền mua lại từ dịch vụ bán sim số đẹp, không có hợp đồng thuê bao. Nhưng vào một buổi sáng, anh Long gọi điện đi không được và chẳng khách hàng nào gọi đến. Cứ tưởng sim hoặc máy trục trặc, anh sửa, kiểm tra đủ kiểu, mới biết số điện thoại của mình đã bị một người khác đăng ký mất. Anh Long phải chạy nhiều cửa, nhờ nhiều người khiếu nại, thậm chí năn nỉ mới lấy lại được số điện thoại.

 “Chỉ 2 ngày bị cướp số điện thoại, tôi bị thiệt hại bộn tiền, vì mất cơ hội với những thương vụ mới và lỗi hẹn với các khách hàng cũ. Chưa kể chẳng biết kẻ cướp số điện thoại có mạo danh mình liên lạc lung tung hay không nữa”.

 Ngoài sưu tập số đẹp, số có ý nghĩa (như trùng với sinh nhật), hiện nay còn có phong trào chơi sim số cũ. Đó là những số điện thoại thế hệ đầu, thời mạng di động mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Thí dụ đầu số 09139, 09138, 09137… của VinaPhone, hay 09039, 09038, 09037… của mạng MobiFone.

Trong đó 09139 và 09039 có giá cao nhất, vì thuộc lô số điện thoại di động đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Nó chứng tỏ quyền sở hữu thuộc về người có chức vụ cao trong hệ thống cơ quan nhà nước hoặc giới nhà giàu. Do hồi đó không mấy ai đủ khả năng mua được chiếc máy điện thoại di động và chịu đựng được mức cước dịch vụ trên trời.

Tùy theo dãy số đầu và số cuối, nếu đẹp, giá 1 sim có thể từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng. Còn số khó nhớ cũng vài trăm ngàn đồng. Dân chơi sim số cũ chủ yếu muốn chứng tỏ là người sành điệu, đã dùng điện thoại di động từ rất sớm. Song, với những người đã sử dụng một số điện thoại để liên lạc từ hơn 10 năm, hiếm ai chịu bán lại số.

Nhộn nhịp kẻ bán, người mua

Từ khi Bộ Thông tin - Truyền thông quy định mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 sim điện thoại di động, những tưởng các đại lý phân phối, cửa hàng bán sim sẽ hẹp đường làm ăn. Nhưng thực tế việc đối soát dữ liệu thuê bao trả trước giữa Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an chưa biết khi nào mới xong, nên thị trường sim số vẫn nhộn nhịp. Bên cạnh các loại sim khuyến mại (được gọi là “sim rác” hoặc “sim cỏ”) bán khắp nơi, muốn tìm sim số đẹp không gì dễ bằng.

Ghé vào một cửa hàng bán điện thoại di động - sim số - thẻ nạp tiền thuê bao trả trước trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM, tôi hỏi chủ tiệm: “Chị có sim nào số đẹp, dễ nhớ không?”. Chị ta nhanh nhảu lấy trong tủ ra 3 quyển sổ, đẩy về phía tôi, nói: “Anh chọn đi. Ở đây toàn số đẹp, giá nào cũng có”.

Tôi mở từng quyển, mỗi trang chia thành 2 cột, 1 cho số thuê bao trả trước, cột còn lại ghi giá bán. 3 quyển sổ ứng với 3 nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel. Tuy sổ nào cũng dày cộp, nhưng nhiều số điện thoại đã bị gạch xóa chi chít, bằng chứng cho thấy đã có rất nhiều người mua.

Những số còn lại hoặc giá khá cao, hoặc không được đẹp so với số đã bán. Để tìm hiểu rõ  thêm, tôi chọn một sim số khá dễ nhớ, giá 350.000 đồng. Chủ cửa hàng gọi điện thoại nói chuyện với một ai đó rồi bảo tôi đợi.

Lát sau, một người trong trang phục nhân viên ngành viễn thông mang sim đến giao cho tôi. Anh ta lấy từ chiếc túi xách ra một lô hàng chục thẻ sim, giới thiệu: “Nếu anh không thích số đó, cứ chọn cái khác. Dĩ nhiên giá cao hơn vì rất đẹp”.

Một cửa hàng nhỏ lẻ đã như vậy, nên không lạ khi các “trung tâm” như Thế Giới Số Đẹp trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) hay Tin Nhanh trên đường Phan Văn Trị (phường 12, quận Bình Thạnh)… có lượng sim số đẹp nhiều gấp bội. Không những nhiều, mà số sim thuê bao trả trước ở những nơi này bán ra cũng thuộc loại giá “khủng”, như các số: 09365365xy giá 550 triệu đồng, 09xx888888 giá 3 tỷ đồng, 09x7777777 giá 2,5 tỷ đồng…

Tuy giá cả trên trời như vậy nhưng cũng không ít người đến mua. Cho nên các “trung tâm” này liên tục tuyển “cộng tác viên phân phối” để mở rộng mạng lưới tiếp thị. Một “cộng tác viên” cho biết bán sim số đẹp tuy kén khách, nhưng nếu bán được một sim giá trị lớn thì “vô rất sâu”. “Nghề này đúng là siêu lợi nhuận đó anh!” - anh ta đắc ý.

Ngoài nguồn sim mới từ nhà mạng, các cộng tác viên còn săn tìm những số sim đẹp đang có người sử dụng để mua và bán lại. Đó cũng là nguyên nhân xảy ra nạn gửi tin nhắn hỏi mua, chào bán sim số đẹp hành người dùng điện thoại di động hiện nay. Tính ra, dù cố tình hay ngẫu nhiên sở hữu số sim điện thoại đẹp, chủ nhân của nó khổ chắc.

SÀI THÀNH