Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Tiếng đàn bầu giữa lòng thành phố

Sáng chủ nhật, đường phố trung tâm TPHCM người xe tấp nập, ồn ào. Nhưng bên trong khu vực công viên 23 tháng 9 bỗng vang lên tiếng đàn bầu. Rồi sau đó âm thanh của nhiều nhạc cụ dân tộc khác hòa theo. Tiếng nhạc vút cao len lỏi qua những hàng cây cổ thụ, lan tỏa như một tín hiệu hấp dẫn mọi người đến thưởng thức mỗi lúc một đông.

Thưởng thức miễn phí

Kinte, một thanh niên người Pháp gốc Phi, đứng giữa vòng người thưởng thức buổi hòa nhạc, rất tự nhiên thể hiện sự cảm thụ qua từng động tác hình thể. Anh lắc mông, nhịp chân… theo từng giai điệu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam.

Đến nhạc phẩm nổi tiếng Besame Mucho, trong sự hòa quyện giữa tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, kiềm, trống dìu dặt, Kinte không giấu vẻ thán phục: “Tuyệt vời! Không ngờ nhạc cụ dân tộc của Việt Nam lại chơi hay như vậy, có thể chơi được nhiều giai điệu khác nhau. Chắc chắn tôi sẽ đến đây thường xuyên hơn vào cuối tuần”.

Kinte sang Việt Nam hơn 1 năm và đang theo học piano tại Nhạc viện TPHCM trong chừng ấy thời gian. Mến đất nước này, anh đã học tiếng Việt và phát âm giọng miền Nam khá chuẩn. Kinte tâm sự, tiếng Việt giống như âm nhạc, nói như hát bởi hệ thống dấu thanh lên bổng xuống trầm, nghe rất êm tai.


Kinte thường cùng bạn bè giải trí ở quán cà phê nhạc, bar hay phòng trà để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình. Nhưng những nơi như thế phần lớn chỉ chơi nhạc phương Tây hoặc nhạc nhẹ nên Kinte ít có điều kiện tiếp cận âm nhạc dân tộc Việt Nam. Buổi hòa nhạc ngoài trời này chính là cơ hội cho anh khám phá giá trị của nhạc cụ và âm nhạc của người Việt.
 
Đó là buổi hòa nhạc thuộc chương trình đưa âm nhạc đến đường phố “Tôi yêu sự chia sẻ”, do nhóm nhạc dân tộc Hoa Mai đảm nhiệm. Chương trình được tổ chức vào chủ nhật hàng tuần. Các thành viên nhóm như Bảo Huỳnh, Cẩm Hà, Uyên Trâm, Duy Đức, Văn Thắng, Tân Phúc… đều là nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen TPHCM.

Trưởng nhóm Duy Đức tâm sự: “Chất nghệ sĩ thấm trong huyết quản từng người nên các thành viên luôn chơi hết mình dù ở sân khấu hay đường phố. Vì vậy dù chương trình âm nhạc tại công viên này của nhóm biểu diễn miễn phí nhưng luôn đạt trình độ chuyên nghiệp nên được đông đảo khán giả tán thưởng”.

Ngoài nhóm Hoa Mai với các tiết mục diễn tấu nhạc dân ca, mang âm hưởng dân ca hoặc nhạc nhẹ phương Tây, thỉnh thoảng chương trình “Tôi yêu sự chia sẻ” có sự tham gia của nhóm nhạc guitar phong cách flamenco, nhóm It’s Time với phong cách hát acoustic hoặc các ca sĩ, nghệ sĩ như Thái Trinh, Hà Okio, cây hài độc thoại Dưa Leo (thí sinh Vietnam's Got Talent 2011)…

Không chỉ xem âm nhạc đường phố như một con đường đến gần hơn với công chúng, các ca sĩ, nghệ sĩ mới nổi tham gia chương trình chỉ đơn giản vì tình yêu nghệ thuật.

Điểm hẹn giải trí, văn hóa cuối tuần

Với lần ra mắt đầu tiên vào cuối năm 2011, đến nay chỉ sau một thời gian ngắn, chương trình “Tôi yêu sự chia sẻ” đã trở thành chọn lựa trong danh sách điểm giải trí cuối tuần của nhiều người. Anh Hoàng Nguyên, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản tại quận Tân Bình, cho biết chủ nhật nào cũng lái xe đưa cả gia đình ra Công viên 23 tháng 9 nghe hòa nhạc.

Anh tâm sự, vấn đề không ở chỗ miễn phí hay tốn tiền, cái chính là được thưởng thức giai điệu âm nhạc ưa thích. Nhằm hướng đứa con trai 10 tuổi biết cảm thụ âm nhạc, anh đưa cháu đi nhiều tụ điểm, các buổi biểu diễn âm nhạc sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng phần lớn trong chương trình này thường là nhạc “thị trường”, không phù hợp với tuýp người có thị hiếu âm nhạc khá khắt khe như vợ chồng anh. Vì vậy, những buổi đi xem ca nhạc thưa dần cho đến khi tình cờ phát hiện ra chương trình âm nhạc đường phố này.



Anh Hoàng Nguyên chỉ một bé trai đang đứng sát dàn nhạc trố mắt ngắm nghệ sĩ Duy Đức trong tiết mục biểu diễn đàn đá, nói: “Ở đây có những cái hay riêng so với ở nhà hát hay tụ điểm. Tuy âm thanh, ánh sáng không hoành tráng, nhưng bù lại con tôi vừa có thể cảm thụ được âm nhạc đích thực, tìm hiểu nhạc cụ, lại có thể hòa mình cùng thiên nhiên và mọi người xung quanh”.

Không chỉ con anh Hoàng Nguyên, những khán giả “nhí” được ưu tiên ngồi vòng trong khá đông. Nhiều gia đình đã đưa con đến đây như một điểm vui chơi, giải trí bổ ích vào cuối tuần.
“Tôi yêu sự chia sẻ” cũng là một điểm hẹn để thư giãn của nhiều sinh viên, học sinh tại TPHCM. Nhóm sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tuần nào cũng đến đây. Minh Hùng, một sinh viên trong nhóm, cho biết cả nhóm đều mê âm nhạc.

Sau khi nghe nhạc, nhóm cùng nhau học bài, đọc sách hay chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Có bạn nhà ở tận Hóc Môn, nhưng cứ 9 giờ đã có mặt để kịp buổi biểu diễn và không bỏ sót tiết mục nào. Ngoài ra còn một lượng đáng kể khách du lịch quốc tế đang lưu trú tại khu vực này.

Biểu diễn nghệ thuật đường phố là hình thức không mới lạ tại nhiều nước trên thế giới, nhưng “Tôi yêu sự chia sẻ” vẫn thu hút được du khách nước ngoài nhờ nét riêng là dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Bị cuốn hút vào tiết mục độc tấu đàn bầu của nghệ sĩ Cẩm Hà, khi giọt đàn cuối cùng thong thả rơi, Kinte suýt xoa tiếc nuối: “Nếu biết ngay từ đầu, tôi đã xin học đàn bầu chứ không học piano”.

Tôi đùa: “Cũng may bạn là con trai, nếu là con gái tôi khuyên bạn bỏ ý định này”. Kinte trố mắt ngạc nhiên, tôi đọc luôn câu ca dao "Đàn bầu ai gảy nấy nghe / Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” và giải thích nửa đùa nửa thật: Người chơi đàn bầu điêu luyện sẽ có nhiều cơ hội… tán tỉnh phụ nữ, bởi nó rất “mùi”. Khi hiểu ra, anh bạn Pháp cười ngất.

Cùng với chương trình Âm nhạc cuối tuần của Nhà hát TPHCM biểu diễn tại Nhà hát Thành phố, “Tôi yêu sự chia sẻ” đã tạo thêm một không gian âm nhạc đường phố có chất lượng, đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Nhờ đó, đường phố thêm đẹp, công viên thêm vui. Chương trình hiện được triển khai tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Trần Nghị 
(SGGP Đầu tư Tài chính ngày 28/7/2012)

* Một hình ảnh đáng buồn
Chủ nhật mới đây, mình ra thưởng thức nhạc như mọi khi. Nhưng lần này bổng đâu xuất hiện một người bảo vệ công viên. Tay này gặp ai đứng ra ngoài lối đi bằng xi măngcũng đuổi mà không nói lý do, Tây ta gì cũng không chừa. Tôi đoán anh ta bảo vệ cỏ, nhưng nếu vậy thì tại sao anh ta đi bừa trong cỏ?!
Thưởng thức âm nhạc lại bị đối xử như thế, thật hỗ thẹn. Nhiều người đã bất mãn bỏ đi - dù ban nhạc chơi rất hay.
Hắn - kẻ dốt nát trong hành xử nhưng lại được trao cái quyền nho nhỏ -  nè bà con:





 

Vội!

Hàng ngày trên khắp nẻo đường ở các đô thị lớn, chúng ta không ít lần chứng kiến những người vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin. Tắc đường, nhiều người vẫn cố chen lấn giành đi trước. Đèn tín hiệu chưa bật xanh, đã inh ỏi tiếng còi hối thúc, hay những giao lộ đèn chưa kịp chuyển sang vàng hai hướng xe cắt nhau ai cũng giành đi trước. Điều gì đang xảy ra? Phải chăng ai cũng vội?

1. Có người cho rằng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhịp sống công nghiệp, sôi động và tất bật. Hội nhập và phát triển đang tác động mạnh mẽ, khiến nhịp sống gấp gáp hơn theo hướng văn minh công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa là nước công nghiệp. Sài Gòn - TPHCM năng động và có hoạt động kinh tế sôi động bậc nhất cả nước cũng thế.

Phải thừa nhận rằng bóng dáng văn minh nông nghiệp không chỉ tồn tại phổ biến ở khu vực ngoại thành, mà vẫn lẩn khuất đâu đó giữa dòng người tấp nập. Không thể có nhịp sống công nghiệp đích thực, nếu buổi sáng trên đường có những người giàu chạy xe đắt tiền nhưng miệng còn ngậm tăm xỉa răng, khạc nhổ bừa bãi hay vứt rác lung tung.

Bất chợt nhận ra đôi khi tôi cũng ứng xử như vậy, nhưng mỗi lần chịu khó bình tâm ngồi suy ngẫm, lại thấy xấu hổ với chính những hành vi - dù vô tình như một thói quen - khi tham gia vào sự vội vàng kia mà chẳng để làm gì. Có những lần cắm cúi chạy xe luồn lách, cố vượt lên đi trước giữa dòng xe cộ hỗn loạn; hay những buổi trưa đi trên đường nắng chang chang tôi cố vượt lên mọi người chỉ để chờ đèn tín hiệu dưới bóng mát cây cổ thụ ven đường.

Và những khi đến ngã tư có đèn tín hiệu, tôi lại dẫn đầu hàng xe chắn mất lối dành cho xe rẽ phải lưu thông. Tất cả sự vội vã đó không hẳn vì công việc làm ăn, mà phần lớn chỉ để đến quán cà phê hay... quán nhậu. Vì vậy, không thể tiếp cận và lý giải “vội” đến mức vi phạm luật lệ, hay chí ít là "khó coi" ấy dưới góc độ nhịp sống công nghiệp.


2. Cũng có người kiến giải do nhiều người nhập cư từ nông thôn, trình độ học vấn không đồng đều nên cư dân TP bây giờ không “thuần” về văn hóa ứng xử. Đúng. Hàng ngày trên phố không thiếu những người từ nông thôn nhập cư về TP kiếm sống điều khiển xe kéo, xe đẩy cồng kềnh, tỉnh bơ di chuyển ngược chiều trong dòng xe nghẽn cứng mà họ góp một phần nguyên nhân.

Tuy nhiên, nếu quan sát rộng hơn, “thuần” về văn hóa chỉ đúng một phần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng không ít lần phiền lòng trước việc có những người - trong có có cả dân nhập cư và dân TP - trong trang phục chỉ để mặc ở nhà, cố tình đi thẳng lên đầu hàng người đang xếp chờ thanh toán tiền trong siêu thị, hay chen lấn cố vượt lên trước hàng xe lúc đường chật như nêm.

Có lần tôi chứng kiến một nam diễn viên điện ảnh có tiếng - từng tham gia nhiều phim truyền hình và nhận giải thưởng lớn trong ngành - đưa con đến trường. Trước cổng trường có bảng cấm xe gắn máy của phụ huynh học sinh vào sân, nhưng anh này vẫn ngang nhiên xộc thẳng vào sân - nơi rất đông học sinh chơi đùa - trước sự khó chịu của nhiều người. Mặc người bảo vệ, anh ta đùng đùng nhấn ga lao tới, miệng không ngớt lời cự nự với lý do “đang bận”. Có lẽ anh diễn viên này tự cho mình cái quyền của... người nổi tiếng!?

Cũng không ít lần nhiều người thấy “gai mắt” vì có những người ăn diện sang trọng, dừng xe hơi giữa đường đón trẻ tan trường, bất chấp cảnh kẹt xe do chính họ gây nên. Qua vài hiện tượng nêu trên, có thể thấy rất khó lý giải thế nào khi bây giờ phần đông người thuộc thế hệ sinh trưởng tại TP - dân TP chính gốc, có trình độ học vấn cao - không biết nhường nhịn nơi công cộng. Vì vậy, nếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ “thuần” về văn hóa e không thỏa đáng.

Trước đây chưa lâu, còn có ý kiến đổ lỗi sự chen lấn, hỗn loạn trong giao thông dẫn tới hành xử thiếu văn minh trên đường phố có phần nguyên nhân từ... những cái “lô cốt” của dự án thoát nước công cộng. Dĩ nhiên cách thi công thiếu tính công nghiệp đối với công trình lớn ấy là một phần nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Nhưng lấy lý do này để biện hộ, giải thích ra sao khi gần 1 năm qua “lô cốt” khu vực trung tâm không còn, đường vẫn tắc và mọi người vẫn chạy xe loạn xạ?

3. Từ những hiện tượng phổ biến nêu trên, ta có thể lờ mờ nhận ra nguyên ngân của các nguyên nhân, phải chăng bắt nguồn từ văn hóa nhường nhịn đã khác xưa. Cho nên những điều vốn xa lạ trước đây, nay đã trở nên bình thường và được mặc nhiên thừa nhận.

Đã có sự thay đổi cơ bản về giá trị trong văn hóa ứng xử của số đông, mà cái gốc của vấn đề là giáo dục đạo đức, thẩm mỹ tồn tại quá lâu những khiếm khuyết? Qua cuộc vận động xây dựng TP văn minh (đã đi được gần 4 năm, bắt đầu từ năm 2008 với chủ đề “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”), có thể thấy phần nào ý thức của người dân đã được khơi dậy, nhưng mục tiêu xây dựng TP đẹp cả về cảnh quan lẫn giao tiếp, ứng xử chỉ đạt được kết quả hạn chế. Điều này cho thấy những nỗ lực của TP chưa đủ làm thay đổi cơ bản hành vi, lối sống kém văn minh, lịch sự nơi công cộng, mà đòi hỏi ngành giáo dục phải có phương pháp giáo dục đạo đức, thẩm mỹ công dân phù hợp hơn.

Cư dân TP có tuổi xuất thân từ nông thôn chưa ai quên mình từng được giáo dục về văn hóa ứng xử trong cộng đồng như thế nào cho phải phép. Dù là nông dân, nhưng ai cũng biết nhường nhịn, kính trọng, lịch sự với ai và khi nào. Thế hệ chúng tôi, khi đi trên đường gặp đám đưa tang đều giở nón cúi chào tiễn biệt, hoặc lúc đi đò, xe đều nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có mang. Còn hiện nay, nếu ai đó làm như vậy sẽ trở nên lạc lõng vì... chẳng giống ai.

Không những thế, văn hóa nhường nhịn bị xem nhẹ. Có lẽ chưa ai quên những vụ việc va chạm xe trên đường phố dẫn đến xô xát chết người, hay hành hung cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ... Tôi vẫn nhớ trước kia, khi hay tin khách đến thăm nhà, dù nhà ở thôn quê nền đất, vách lá tồi tàn, nhưng người lớn vẫn luôn dọn dẹp tươm tất, căn dặn trẻ nhỏ phải chào hỏi, cư xử lễ phép, để sau này khách còn quay trở lại.

TPHCM cũng cần như thế. Ngành du lịch đặt kế hoạch đón 3,5 triệu khách quốc tế trong năm 2011, đạt tổng doanh thu 49.000 tỷ đồng. Như vậy TP cần phải “dọn nhà” gọn gàng, sạch đẹp để khách mãi muốn đến thăm. Điều này không chỉ có lợi cho ngành du lịch, mà nhìn toàn cục còn cho cả nền kinh tế của TP, bởi không nơi nào có thể phát triển nếu mọi người vẫn “vội vã” giả tạo, xã hội vì thế kém văn minh.

BẾN NGHÉ
(SGGP Đầu tư Tài chính 16/10/2011)

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Tinh Hoa & “hồn” máy chấm công

Thoáng thấy bóng người thanh niên nhanh nhẹn dừng xe gắn máy trước cửa quán cà phê, tôi biết chắc lần này đã “bắt cóc” được anh. Bởi hẹn gặp nhau suốt mấy tháng, nhưng mỗi lần đến hẹn, anh lại bận khi thì đi nước ngoài, lúc lại phải làm việc với đối tác, khách hàng… hay chia sẻ kiến thức kinh doanh với các bạn trẻ đang chuẩn bị khởi nghiệp.

Chọn đúng hướng
 
Vừa gặp tôi, Lý Xuân Nam (ảnh), Giám đốc CTCP Giải pháp Tinh Hoa, cười phân bua: “Em vừa về tới sân bay Tân Sơn Nhất, nhớ có cuộc hẹn nên chỉ kịp bỏ hành lý vào nhà rồi ra đây”. Chuyến đi này, Nam gặp đối tác tại Singapore - công ty cung cấp “phần xác” là thiết bị chấm công cho Tinh Hoa.


Gọi là “phần xác” bởi những mẫu máy chấm công này chỉ là phần cứng (hardware), sau khi nhập về mới được Tinh Hoa nạp “phần hồn” (phần mềm điều khiển - firmware) để vận hành phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Và những “phần hồn” đó do chính Tinh Hoa thiết kế.

Hơn 5 năm qua kể từ ngày khởi nghiệp, Tinh Hoa đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng, trở thành cái tên nổi bật trong danh sách lựa chọn nhà cung cấp giải pháp quản lý nguồn nhân lực của nhiều doanh nghiệp. “Nghe vậy anh đừng tưởng công ty gặp suôn sẻ ngay từ đầu.” - Lý Xuân Nam nói. 
Như đợi sự tò mò hay trí tưởng tượng của tôi lên đến cực điểm, Nam ngưng câu chuyện, nhấp hớp cà phê và nhấm nháp như muốn tìm trong đó những dư vị ngọt bùi, đắng chát của một thời làm lưu học sinh tại Singapore, rồi từ từ tâm sự.

Năm 2001, Nam rời quê TPHCM sang Singapore học tại Trường Đại học Nanyang (NTU - trường đại học công lập danh tiếng của Quốc đảo Sư Tử). Mục tiêu ban đầu chỉ đơn giản là học để lấy được tấm bằng quốc tế, sau đó về nước mới tính chuyện tìm việc làm.

Đến năm thứ tư, Lý Xuân Nam không còn thụ động học những gì được thiết kế trong chương trình ngành điện tử - công nghệ thông tin, anh “lấn sân” sang những lĩnh vực tưởng chừng không liên quan gì với ngành được đào tạo, anh hối hả tranh thủ ít thời gian còn lại ở ghế giảng đường để “nạp” cho mình những kiến thức về kinh tế, quản trị doanh nghiệp… Chính nguồn năng lượng này đã “lái” Nam theo một hướng khác: kinh doanh.

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ban đầu Nam và nhóm bạn lưu học sinh có dự định táo bạo như một số doanh nhân Việt Nam đã làm: lập doanh nghiệp hoạt động ngay Singapore - một nền kinh tế năng động vào loại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn khi làm cho công ty lớn tại Quốc đảo Sư Tử, Nam nhận thấy đây là thị trường có tính toàn cầu, không dễ đứng vững cả với doanh nghiệp lớn. Thế là nhóm bạn quyết định thành lập Tinh Hoa tại Việt Nam.

Cùng với Việt Nam, Singapore là nơi không chỉ trang bị cho anh kiến thức, mà còn cả kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết đối với một doanh nhân ấp ủ định hướng khởi nghiệp.
Đi đúng đường

Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ ngày càng đặt doanh nghiệp trước yêu cầu đầu tư nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có nguồn nhân lực chất lượng cao không đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế cao, nếu việc quản lý không tốt. Bên cạnh các nguồn lực tài chính, công nghệ… nguồn lực nhân sự có ý nghĩa quyết định đối với thành công của một doanh nghiệp.

Bởi nguồn nhân lực là yếu tố, chủ thể tái tạo và tái lập các nguồn lực khác giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Vì vậy phát huy nguồn lực này luôn là thách thức lớn đối với các chủ doanh nghiệp và điều này đòi hỏi người quản lý phải chú trọng áp dụng khoa học quản lý nhân sự.
Chính vì vậy, trên thế giới đã ra đời các công ty chuyên cung cấp giải pháp quản lý nhân sự cho doanh nghiệp. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Và thế là CTCP Giải pháp Tinh Hoa chuyển hướng vào lĩnh vực này.
 

Kiểm tra máy chấm công đã tích hợp phần mềm điều khiển thiết bị do Tinh Hoa phát triển
trước khi lắp đặt cho khách hàng.


Ngay từ khi ra đời, Tinh Hoa đã phải đối mặt với chính lĩnh vực kinh doanh của mình. Nhiều người nghĩ đối với một doanh nghiệp mới khởi sự thuộc loại siêu nhỏ, nhân sự là vấn đề dễ giải quyết.

Nhưng ngược lại, do đặc thù lĩnh vực kinh doanh bao gồm công nghệ cao, thiết kế, tích hợp khoa học quản lý nhân lực vào phần mềm, ứng dụng công nghệ đó vào thực tế hoạt động của các loại hình doanh nghiệp là một loạt vấn đề phức tạp đối với Tinh Hoa.

Lý Xuân Nam nhớ như in buổi ban đầu anh không biết nên bắt đầu từ đâu, ngay cả làm bảng báo giá cũng thấy khó. Áp lực đưa Tinh Hoa đến thành công đè nặng lên cuộc sống chàng sinh viên mới ra trường.
Thông thường, một số doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó có chi phí cho nguồn nhân lực.

Nhưng Lý Xuân Nam lại quyết định đầu tư nhiều hơn cho đào tạo. Bởi theo anh, chính nguồn nhân lực tốt sẽ giúp tái tạo các nguồn lực vật chất khác và đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng - đây chính là tiền đề cho lĩnh vực hoạt động đào tạo nhân sự quản lý cho các doanh nghiệp của Tinh Hoa hiện nay.

Khi doanh nghiệp phát triển đi lên, nhân sự nhiều hơn, Lý Xuân Nam phải đối mặt với những khó khăn khác, trong đó có vấn đề đào tạo nhân sự mới. Nam lại có thêm nhiều đêm mất ngủ để tìm ra giải pháp: Không trực tiếp đào tạo từng người, mà thực hiện việc này thông qua nhân sự nòng cốt có thâm niên, kiến thức và kỹ năng của công ty.

Nhờ vậy chi phí đào tạo nhân sự giảm đến mức thấp nhất, trong khi hiệu quả hoạt động của công ty không ngừng nâng cao. Khi đã có con người đạt yêu cầu, Lý Xuân Nam tiến thêm bước nữa là áp dụng giải pháp chấm công thông qua máy tích hợp phần mềm phù hợp do Tinh Hoa phát triển vào hoạt động công ty.
Những công việc không quá khó Nam giao cho máy móc đảm nhiệm, còn công việc phức tạp sẽ do con người cụ thể đảm trách, qua đó tiết kiệm được thời gian và nguồn lực.

Nhỏ nhưng không yếu

Khởi nghiệp như ôm bao cát đi dây. Khối lượng công việc rất lớn, trong khi sợi dây nguồn lực còn rất mong manh. Tôi đã phải suy nghĩ, tìm các doanh nhân đàn anh, chuyên gia… học hỏi, nhờ tư vấn về giải pháp nâng cao năng lực quản trị nhân sự. Đúng là “không thầy đố mầy làm nên”, nhờ vậy tôi đã xác định được khâu trọng yếu cần giải quyết là tập trung tuyển chọn nhân viên theo định hướng tinh và gọn. Khi đã có nhân viên phù hợp, Tinh Hoa phải nâng tầm họ và theo đó có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để nguồn nhân lực tinh nhuệ này không “chảy” sang doanh nghiệp khác.

Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị cung ứng các loại máy chấm công. Tuy nhiên hầu hết chỉ là những chiếc máy “vô hồn”, chỉ làm công việc “đếm đầu người”, tính thời gian… đơn giản. Kiểu chấm công máy móc, không phân tích, đánh giá này có thể dẫn đến thiếu chính xác trong chế độ lương, thưởng CBCNV, gây khó trong việc duy trì sự ổn định nhân sự của doanh nghiệp.

Và nếu chỉ bán máy chấm công thuần túy, đơn vị kinh doanh lĩnh vực này vẫn mãi làm đại lý cho công ty phân phối và khó nâng cao doanh thu. Xác định được vấn đề này, Lý Xuân Nam đã chọn con đường tạo ra sự khác biệt thông qua việc nâng cao hàm lượng chất xám cho sản phẩm và dịch vụ của Tinh Hoa.
“Sau thời hạn bảo hành đơn vị cung cấp máy chấm công mới có thể hy vọng tạo thêm doanh thu và doanh thu khá thấp từ dịch vụ sửa chữa, thay thế.

Trong khi đó, một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra luôn có nhu cầu về quản lý hiệu quả nguồn nhân lực theo từng giai đoạn phát triển. Do vậy những gói giải pháp đi kèm máy chấm công sẽ là một lựa chọn hàng đầu” - Lý Xuân Nam phân tích.
    
Ngay từ buổi đầu, Tinh Hoa đã hoạt động theo hướng  phát triển phần mềm riêng cho máy chấm công đi đôi với cung cấp giải pháp quản lý nhân sự, thiết kế riêng cho từng doanh nghiệp. Nhờ đó nên từ lúc mới bước vào thị trường, Tinh Hoa đã tạo được chỗ đứng và đến nay trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực máy chấm công - giải pháp nhân sự ở nước ta. Đến nay giải pháp trọn gói của Tinh Hoa đã dược nhiều doanh nghiệp trong nước áp dụng, trong đó có những khách hàng lớn như Vinamilk.

Được Vinamilk chọn làm nhà cung cấp giải pháp quản lý nhân sự trọn gói với mọi người tại Tinh Hoa là một sự kiện đáng nhớ. Lý Xuân Nam nhớ lại, đã từng 2 lần tham gia đấu thầu cung cấp máy chấm công và giải pháp cho Vinamilk, nhưng lần đầu thất bại vì một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này được chọn. Đến lần mở thầu thứ 2 của Vinamilk, Tinh Hoa đã thắng do giải pháp của công ty đã được một số doanh nghiệp khác áp dụng có hiệu quả.

Lý Xuân Nam còn ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - chưa đủ điều kiện đầu tư giải pháp trọn gói của Tinh Hoa - trong việc quản lý nguồn nhân lực. Một trong những dự định đó đang trở thành hiện thực khi Tinh Hoa đã bắt tay xây dựng hệ thống quản lý nhân sự qua mạng máy tính của Tinh Hoa. Với giải pháp này doanh nghiệp không phải đầu tư nhiều vẫn có thể quản lý nguồn nhân lực một cách hiệu quả.

Bến Nghé 
(Báo SGGP Đầu tư Tài chính ngày 27/11/2011)

Đi chợ “chợ” 5 giây

Vài năm trở lại đây, internet, thương mại điện tử, công nghệ số... phát triển nhanh chóng, nên việc mua bán hàng công nghệ số qua mạng trở nên khá ồn ào. Mỗi ngày trên các trang web mua bán, rao vặt có vô số thông tin đăng bán hoặc tìm mua. Nhiều người cho rằng thay vì cất công ra tận các cửa hàng, người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà dạo “chợ ảo” vẫn có thể săn được “hàng xịn, giá rẻ”.

Hàng rẻ khó tốt
Một trong những chợ ảo được xem tấp nập nhất là www.5giay.vn (5 giây). Chợ này có nhiều “khu” bán hàng chuyên biệt, từ thú nuôi, sim điện thoại, xe đạp... đến các thiết bị công nghệ cao.

Riêng “khu” máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính xách tay mỗi ngày có đến vài ngàn lượt truy cập và thường xuyên có vài trăm đến cả ngàn người túc trực để săn hàng.

Nguồn hàng thiết bị số trên chợ 5 giây rất đa dạng, có thể chia thành 3 loại nguồn gốc chủ yếu: chính hãng, xách tay từ nước ngoài và hàng cũ. Riêng hàng chính hãng, khách không quan tâm nhiều vì thực chất đây là hàng do các tên tuổi lớn trong nước như FPT, Thế Giới Di Động... phân phối, giá cao ngất ngưởng.
Một số nhân viên của các công ty này thông qua chợ ảo để tiếp thị thương hiệu, sản phẩm là chính.

Với 2 loại hàng trôi nổi, Sơn ở quận Bình Thạnh, TPHCM - dân mua bán qua mạng dạn dày kinh nghiệm, cho biết loại mới nguyên thùng xách tay có công nghệ không dây 3G phần lớn là hàng của một nhà mạng nào đó ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu đặt sản xuất cho riêng họ.

Mua loại này giá tuy thấp hơn của các trung tâm điện máy, nhưng phải chú ý hàng thuộc phiên bản quốc tế hay nội địa. Nếu phiên bản quốc tế sẽ sử dụng được nhiều mạng di động tại Việt Nam, phiên bản khác phải đem đi mở mạng (unlock), khá phiền phức và dĩ nhiên cũng tốn thêm tiền.

Tuy nhiên, giá máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại công nghệ 3G phiên bản quốc tế không rẻ hơn giá hàng chính hãng bao nhiêu, trong khi lại không được bảo hành. Vì vậy, nhiều người chọn mua hàng nội địa để có giá rẻ hơn vài triệu đồng, nhưng có một số thiết bị đến nay vẫn chưa có cách unlock tại Việt Nam. 
Với hàng đã qua sử dụng, giá tuy rẻ hơn, đôi khi chỉ bằng một nửa so với hàng mới, nhưng rủi ro khá lớn.

Dũng (quận 3, TPHCM), một người bán hàng chuyên nghiệp qua chợ 5 giây, chia sẻ: “Hên xui anh ơi. Chuyên nghiệp như tụi em, cẩn thận “test” đủ kiểu trước khi mua, nhưng đôi khi chưa kịp bán lại phát hiện máy bị lỗi không sửa được, đành bán đồ món gỡ lại chút vốn”.


Theo Dũng, đó là chưa kể thấy hàng mới, giá mềm tưởng bở, mua về rồi mới hay hàng có nguồn gốc trộm cắp. Gần đây, một số người đã đăng tin nhờ thành viên chợ 5 giây truy tìm đồ mất trộm.

Lắm “Lý Thông”
Tín, ở Trường đại học Bình Dương, kể: “Thấy một cửa hàng đăng bán chiếc máy tính xách tay Acer đời cũ giá 3,2 triệu đồng, rất hợp với túi tiền sinh viên tụi em. Sau khi gọi điện thoại trả giá và thỏa thuận 2,9 triệu đồng, em chạy từ Bình Dương xuống TPHCM để mua.



Khi tới nơi, chủ cửa hàng nói màn hình máy đó hư, rồi gợi ý một chiếc Toshiba lỗi nhẹ màn hình giá 2,8 triệu đồng và bao test 3 ngày. Đã lỡ chạy từ Bình Dương xuống, em đành mua chiếc máy này. Về đến nhà mở lên chạy được 30 phút máy tắt ngủm. Sáng hôm sau mang lên cửa hàng định trả máy, chủ cửa hàng không chịu thực hiện lời hứa bao sử dụng 3 ngày và cho biết nếu lấy lại tiền thì chỉ trả lại 1,5 triệu đồng”.


Trên chợ 5 giây hiện nay, không riêng các “khu” buôn bán máy móc, thiết bị công nghệ cao, mà khách hàng nhiều “khu” chợ khác cũng bị “thuốc” cháy túi. Ở “khu” nào cũng có nạn nhân của những mánh lới buôn gian bán lận và họ đăng tin để cảnh báo cho các thành viên khác.


Theo dân buôn bán hàng chợ 5 giây, hiện nay ở TPHCM có nhiều người làm nghề “độ” thiết bị kỹ thuật số, đặc biệt máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động. Một chiếc máy cũ mèm, nhưng qua bàn tay phù phép của các “thợ độ”, người bình thường khó nhận ra đó không phải hàng mới.


Các “thợ độ” không chỉ thay, sửa phần cứng bên trong, mà còn sơn tĩnh điện khiến hàng trông như vừa xuất xưởng. Nhưng cánh mua bán ngán nhất là máy tính xách tay được “cứu” chíp đồ họa. Thông thường, sau khi đóng chíp xong, máy chạy ổn định trong khoảng 1 tháng, sau đó sẽ “chết bất ngờ”, mà chíp đồ họa lại nằm bên trong máy nên khó lòng phát hiện đã từng “chết đi sống lại” hay chưa.

Nói về kinh nghiệm mua máy trên chợ 5 giây, Dũng cho biết thêm có nhiều khách hàng khó tính, mua máy đã qua sử dụng nhưng đòi hỏi phải “full box” (còn đủ hộp), số IMEI in trên hộp và trong máy phải trùng nhau để đảm bảo hàng “zin”.

Nắm bắt tâm lý này, vài kẻ làm ăn gian dối đã tổ chức in (kéo lụa) hộp máy các loại theo yêu cầu của một số người buôn gian bán lận. Mỗi chiếc hộp được bán với giá từ 180.000-200.000 đồng, tùy theo loại hàng gì và có hút hàng hay không.

Gần đây, dịch vụ cung cấp hộp cho người bán máy đã xuất hiện công khai trên chợ 5 giây với cái tên gây chú ý: “Dịch vụ bán hàng có một không hai”. Chủ “gian hàng” này còn đăng cả số điện thoại và quảng bá “nhận giao hàng số lượng lớn”.

Vậy mà chẳng có cơ quan chức năng nào để mắt tới cho chợ ảo “sạch” hơn, đỡ khổ khách hàng trong đời thực. “Đúng là trên chợ ảo, Thạch Sanh rất nhiều nhưng Lý Thông cũng không ít. Đó chính là những kẻ góp phần gây cản trở sự phát triển của chợ trực tuyến, làm mọi người mất lòng tin” - Dũng đúc kết.

Nhưng dù sao, đi chợ 5 giây vẫn là một thú vui đối với nhiều người. Thú vui đó thể hiện qua việc luôn được cập nhật thông tin mặt hàng mới có trên thị trường trong nước mà không phải vất vả chạy khắp các trung tâm điện máy xem hàng. Hơn nữa, người có nhu cầu thực sự có thể mua được thứ mình cần với giá rẻ nếu có kinh nghiệm và luôn cảnh giác.

THẢO NGUYÊN
(Báo SGGP Đầu tư Tài chính

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Mưa Sài Gòn


Sài Gòn: Đường phố dưới mưa

Nhịp sống Sài Gòn sôi động đến bất tận, bất chấp thời gian, thời tiết. Những ngày mưa, cuộc sống ở thành phố này vẫn diễn ra hối hả trên từng góc phố. Nhịp điệu cuộc sống với nhiều cung bậc cảm xúc khiến khách phương xa từng một lần chứng chứng kiến khó quên, ai từng gắn bó với Sài Gòn sẽ nhớ mãi.

- Ảnh 1, 2: Dòng người vẫn ngược xuôi, hối hả dưới mưa.
- Ảnh 3, 4: Mưa không ngăn được những người buôn bán kiếm sống ngoài phố. 
- Ành 5, 6, 7: Nhiều đoạn đường ngập ngụa khi trời mưa. Đây là cơn ác mộng đối với người dân thành phố.