Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Wi-Fi “trên từng cây số”

Sáng sớm ra đường đã thấy nhiều người mang túi hoặc ba lô chuyên dùng đựng laptop hòa trong dòng xe cộ hối hả ngược xuôi. Đây đó trên các quán cà phê vĩa hè luôn có người xử dụng laptop, PDA, Pocket PC nối mạng Internet qua sóng wifi. Đó là chuyện thường ngày ở TP.HCM hiện nay.

Ngoài phố

Song song với những quán cà phê có cung cấp dịch vụ kết nối Wi-Fi miễn phí là một lựa chọn khác cho người có nhu cầu làm việc nắm bắt thông tin và giải trí qua mạng. Đó là truy cập Internet bằng sóng Wi-Fi từ cà phê vĩa hè. Một trong những điểm như vậy thu nhiều khách sử dụng thiết bị kết nối không dây của TP.HCM là đầu một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3. Hẻm này được dân ở đây gọi là “hẻm Trịnh” (hẻm nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Thật ra, những quán cà phê vĩa hè không cung cấp dịch vụ Wi-Fi, nhưng khách hoàn toàn yên tâm bởi luôn có nhiều Access Point (điểm phát sóng Wi-Fi) của các nhà dân, cơ quan nhà nước, công ty, nhà hàng, quán giải khát… Chỉ cần kích hoạt chế độ dò tìm trên máy tính hay thiết bị di động, một loạt điểm phát sóng đã bày trong danh sách. Việc còn lại là chọn điểm nào không có chế độ bảo mật là có thể lướt net vi vu.

Sự phổ cập và lan toả của công nghệ nối mạng không dây tại TP.HCM giúp cho công việc thường xuyên di chuyển hay ít ra là tranh thủ thời gian vừa có thể nhâm nhi cà phê, trao đổi công việc với khách hàng hoặc hưởng khí trời… vừa làm việc.

Đường Hàn Thuyên, cạnh nhà thờ Đức Bà không chỉ là nơi tập trung của những nhóm chơi xe cổ, xe quái như Vespa, Mobilette cuối tuần, mà còn là điểm truy cập Internet không dây ưa thích của nhiều giới. Ở đây, dưới bóng mát của những cây cổ thụ trong công viên, khách có thể kết nối Wi-Fi thoải mái mà không phải tốn một khoảng chi phí nào. Tuy nhiên, gần đây, nhiều toà nhà quanh đó áp dụng chế độ bảo mật nên chỉ còn vài điểm phát sóng Wi-Fi miễn phí. Nhưng nếu cần gấp mà không kịp về công ty hay không muốn đến các quán cà phê có Wi-Fi vì chán cảnh phòng kín máy lạnh, người có nhu cầu vẫn có thể ghé vào đây, tìm vị trí thích hợp cho việc kết nối với một Access Point không bảo mật nào đó để làm việc ngay.

Anh Trịnh Trương Vệ, một doanh nhân chuyên kinh doanh trực tuyến là người thường ngồi làm việc bằng chiếc laptop Asus 11” và chiếc điện thoại BlackBerry có tích hợp wireless tại cà phê vĩa hè hẻm Trịnh tâm sự: “Khách hàng nhiều, giao dịch liên tục, nhưng công việc của tôi đòi hỏi chạy khắp thành phố suốt ngày. Nếu không có nhiều điểm truy cập Wi-Fi kiểu này thì chỉ có nước bó tay”. Còn anh Dương Hồ Vũ, giám đốc công ty Đạt Nhân chuyên doanh thiết bị di động - máy tính xách tay và một cửa hàng vàng bạc tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mình phải thường xuyên về TP.HCM để giải quyết công việc, vì vậy, để thuận lợi thì cần nối mạng. Ở đây thật tiện, chỗ nào cũng có thể kết nối không dây, nhiều khi tôi ngồi luôn ngoài vĩa hè giải quyết công việc qua mạng chứ không cần về khách sạn”.

Trong nhà

Đi cà phê vĩa hè để sử dụng Wi-Fi miễn phí tiện lợi là vậy, nhưng cũng có mặt hạn chế. Thường thì điểm phát sóng ở khá xa nên việc kết nối không ổn định. Mặc khác, khi thời tiết không thuận lợi, nhất là lúc có mưa thì không thể sử dụng laptop được. Lúc đó, nơi lý tưởng là quán cà phê Wi-Fi. Ở những quán cà phê dạng này, khách yên tâm hơn vì cảm giác được kín đáo, an toàn và được phục vụ chu đáo, nhưng dĩ nhiên khách phải chịu mức chi phí cao hơn ở vĩa hè.

Năm 2005, cả thành phố chỉ có vài chục quán cà phê Wi-Fi. Có thể kể đến vài cái tên thuở ban đầu: Y5 (32/65 Cao Thắng, quận 3), Piano (17 Hồ Xuân Hương, Q.3), Viet's top (80 Nguyễn thị Minh Khai,Q.1), Yesterday (35A Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), Điểm hẹn Sài Gòn (ngã tư Cao Thắng - 3/2), Windows' garden (43 Nguyễn đình Chiểu),… và nói chung là khu vực trung tâm Q.1.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt, theo đó là giá cả ngày càng giảm của các thiết bị có tính năng kết nối Internet không dây, nhất là chiếc laptop, quán cà phê Wi-Fi sớm phủ khắp thành phố. Hoà cùng “nhịp đập không dây”, nhiều nhà hàng ăn uống, khách sạn… vào cuộc với chiêu quảng cáo trước cửa: “Wi-Fi free” để thu hút khách đến nghỉ, nhưng cần làm việc qua mạng.

Còn một điểm khá thú vị, lai một nữa của loại hình cà phê vĩa hè và quán trong nhà là các khu chung cư. Tại chung cư Bàu Cát, Bàu Cát 2, Q.Tân Bình có nhiều quán cà phê ở tầng trệt, bày hẳn ra phần vĩa hè nội bộ, nhưng được trang bị mái che di động. Hầu hết những quán này không tự trang bị Access Point, nhưng nếu may mắn vào đúng quán, khách hoàn toàn có thể truy cập Internet nhờ vào bộ phát sóng không bảo mật của những căn hộ quanh đó. Vừa kín đáo, thoải mái làm việc, không sợ mưa gió, lại có thể ngắm nhìn phố phường thoải mái.

Không khoá

Theo anh Nguyễn Long, chủ của hàng F2Laptop trên đường Lạc Long Quân, phường 10, Q.Tân Bình, việc thiết lập bảo mật cho Access Point của của hàng cũng bằng thừa và bất tiện. Thậm chí đôi khi hơi phiền. “Em thuê trọn gói nguyên đường ADSL riêng để cấp cho nó. Mỗi tháng xài ít hay nhiều vẫn chỉ trả bấy nhiêu tiền cước phí đó thôi. Nếu bảo mật trong trường hợp khách hàng đông, mình mất công đọc mật khẩu để khách thử chức năng kết nối không dây của laptop. Hơn nữa, Access Point không kết nối với mạng nội bộ của cửa hàng đâu mà sợ máy chủ bị tấn công”, Long cười.

Thật sự thì qua tìm hiểu, hầu như chủ những điểm phát sóng Wi-Fi không thiết lập chế độ bảo mật đều có cách nghỉ như Long. Vì vậy, họ để cho ai có nhu cầu thì tự do kết nối. Hơn nữa, “đâu có ai ngồi vĩa hè ôm máy tính truy cập Internet suốt ngày”, anh Quân, người chuyên mua bán các thiết bị di động công nghệ cao qua mạng ở khu cư xá Lữ Gia, Q.10 bổ sung.

Còn lại đa phần những nơi có bảo mật là do bộ phát sóng Wi-Fi kết nối với hệ thống mạng nội bộ. Đó thường là những doanh nghiệp lớn, còn lại là người sử dụng dịch vụ ADSL dưới hình thức trả cước theo dung lượng.

Có lẽ mật độ phủ sóng Wi-Fi dày đặc và dễ dàng kết nối, đem đến cho người dùng sự thuận tiện như vậy là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dự án phát sóng Wimax ít được “dân di động” TP.HCM quan tâm. Sự phát triển của Wi-Fi tại TP.HCM từng làm bất ngờ nhiều người khách quốc tế, trong đó có nhà báo Nhật Bản Nakamichi Tadashi, phóng viên của tạp chí Kinh tế Thông tin (Nikkei Communication). Đến Việt Nam vào cuối năm 2007 để tìm hiểu tình hình phục vụ cho bài viết về tình hình công nghệ truyền thông của 50 thành phố trên thế giới, ông đã gọi thành phố mang tên Bác là “Thiên đường Wi-Fi” và mong sao ở Nhật cũng… được như vậy.

Sài Thành

“Vua” máy ảnh


Phong trào chơi nhiếp ảnh đang lan rộng cả nước, nhưng hầu hết chỉ quan tâm đến trang bị máy móc và công việc chụp ảnh. Riêng Trần Quốc Thảo, cũng là dân gắn bó với nhiếp ảnh nhiều năm, nhưng không đi theo hướng sáng tác mà chọn một lối riêng: sưu tầm máy ảnh cổ, cũ. Anh hiện là một trong số ít người sở hữu nhiều máy ảnh cổ nhất tại Việt Nam.

Khi biết được ý định của tôi là tìm hiểu để viết bài về anh và bộ sưu tập máy ảnh, Thảo cười và... khiêm tốn từ chối. Anh bảo: “Số máy ảnh của em có thấm vào đâu so với của những người khác. Nó còn ít quá, lại chưa có máy độc”. Thật ra trong làng nhiếp ảnh ở ĐBSCL không ai sở hữu nhiều máy ảnh bằng Thảo. Với khoảng 100 chiếc máy ảnh đủ loại, đủ đời, Trần Văn Thảo đích thựcmột đại gia” máy ảnh cũ, xưa.

Phong trào sưu tầm máy ảnh xưa, cũ đã tồn tại trong giới nhiếp ảnh cả nước đã từ lâu. Tại Kiên Giang cũng vậy và phong trào chủ yếu phát triển tại TP Rạch Giá, người chơi không nhiều, chủ yếu là giới nghệ sỹ nhiếp ảnh thuộc Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Phân hội Nhiếp ảnh thuộc HỘi Văn học – Nghệ thuật Kiên Giang, còn lại là vài tay máy phong trào. Người ít thì vài ba chiếc, phổ biến nhất là những người có khoảng một chục chiếc. Nhưng như ông bà nói “nghề chơi cũng lắm công phu”, nhiều người chỉ tham gia sưu tầm máy ảnh một thời gian ngắn rồi lần lượt giải nghệ vì không đủ kiên nhẫn. Duy chỉ có Trần Văn Thảo vẫn trọn vẹn niềm đam mê suốt hơn 10 năm qua.

Bảo tàng máy ảnh của Trần Văn Thảo là gian phòng trong căn nhà nhỏ số 37/5 tại con hẽm trên đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá. Trong bộ sưu tập của Thảo có khoảng 80 chiếc máy ảnh cơ khí chụp phim đời xưa, còn lại là những chiếc máy ảnh chụp phim thế hệ điện tử hiện đại nhưng các hãng đã ngưng sản xuất. Đó là không kể máy ảnh kỹ thuật số, vì theo Thảo, máy kỹ thuật số là máy đương thời, có mặt trên thị trường không lâu, chưa hoàn thiện và không hiếm nên không thể đưa vào bộ sưu tập. Với máy ảnh lọai này, Thảo chỉ mua bán lấy tiền chơi máy cỗ hoặc để chụp dịch vụ kiếm sống. Theo Thảo, chơi máy ảnh dạng sưu tầm phải là những chiếc máy cơ khí càng xưa, hiếm càng quý. Năm nay mới ở tuổi 31, nhưng Thảo đã hơn mười năm trời săn lùng máy ảnh. Ban đầu là tìm những chiếc máy ảnh trong mớ đồ “lạp son” của những gia đình từng có máy ảnh hồi trước năm 1975. Hàng này thật hiếm, vì thời đó đây là hàng thuộc loại cực kỳ xa sĩ, đâu được mấy nhà có khả năng mua máy ảnh. Thảo phải nhờ người quen ở khắp các địa phương trong tỉnh tìm giúp. Khi hay tin nơi nào còn máy ảnh cũ, dù nắng hay mưa, đường xá khó khăn đến đâu, Thảo vẫn tức tốc đến nơi nài mua bằng được. Nhưng nguồn máy này cạn rất nhanh, được vài chiếc thì đã cạn nguồn, Thảo không bỏ cuộc. Anh bắt đầu mở rộng cuộc săn tìm ra các tỉnh lân cận như An Giang, Cần Thơ, Cà Mau… để mua. Rồi nguồn máy này cũng hết nhanh chóng, anh chuyển hướng sang tận đất nước Campuchia tìm mua máy ảnh đời xưa. Tuy nhiên, đất nước Chùa Tháp do hoàn cảnh lịch sử nên nguồn máy ảnh sẵn có không nhiều, chỉ có hàng “nghĩa địa” thì vô số kể, nhưng phần lớn lại thuộc hạng xoàng. Thảo phải chịu khó lục lọi nhiều nơi, đi nhiều chuyến mới gặp được những chiếc máy có giá trị. Gần đây, nhờ có internet, Thảo không còn vất vả chạy khắp nơi săn lùng máy ảnh như trước nữa. Chỉ cần truy cập vào mục “rao vặt”, “chợ”, “mua bán”… của một số diễn đàn nhiếp ảnh lớn, Thảo đã có thể đặt mua những chiếc máy mình thích.

Máy ảnh sưu tập không nhất thiết còn hoạt động được, nhưng nếu còn vận hành tốt thì giá trị cao hơn. Điều quan trọng nhất quyết định giá trị của chiếc máy là đời, hiệu, thời gian sản xuất. Cho nên những chiếc máy ảnh càng xưa, hàng hiệu, hiếm có thì càng có giá trị. Trong bộ sưu tập của Thảo, người ta thấy có nhiều chiếc máy ảnh có tuổi còn lớn hơn tuổi của một đời người. Chẳng hạn 1 chiếc máy hiệu Kodak tiền thân của những chiếc máy ảnh hiện đại đến mức không tưởng ngày nay. Nó có “sam” (buồng tối chỉnh tiêu cự ống kính) lộ hẳn ra ngoài giống như thân của chiếc đàn Accordion (phong cầm), sử dụng phim nhựa 6x6 cm. Những chiếc máy hiệu Canon, Pentax, Minolta, Yashica,... hoạt động hoàn toàn cơ khí và nhiều chiếc máy mà những hãng sản xuất ra chúng đã đóng cửa từ lâu.

Do tiền nong của Thảo có phần eo hẹp, anh sống bằng nghề sửa chữa máy ảnh, máy quay phim hoặc chụp ảnh dịch vụ và buôn bán máy ảnh loại rẻ tiền. Kiếm được đồng nào, ngoài chi cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, anh dồn hết cho máy ảnh. Vì vây mà bộ sưu tập máy ảnh của Thảo ngày càng nhiều thêm, bất cứ người chơi máy ảnh nào nhìn thấy cũng khâm phục. Vài người có sở thích chơi may ảnh xưa đã tìm đến đề nghị mua lại. Dù chật vật trong cuộc sống, nhưng Thảo vẫn nhất quyết không bán lại bất kỳ một món nào trong bộ sưu tập của mình. Với Thảo, nó là vô giá.

Trần Nghị

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Thua bản lĩnh

Ngay khi biết tuyển U23 Việt Nam gặp lại cố nhân U23 Malaysia, mình đã thấy rất rất lo.
Vì sao à?
Kẻ hút chết 1 lần bởi 1 đối thủ sẽ khó chết lại lần thứ 2 nếu tái ngộ với đối thủ cũ.
Malaysia không chỉ biết cách học mà còn học rất nhanh từ thất bại. Vì vậy kẻ sắp cuốn gói rời Seagames 25 này đã làm cú chấn động lớn đầu tiên là thắng U23 Thailand - nhà đương kim vô địch - trong thế lội ngược dòng. Lào ư, Lào chỉ là một đội bóng nhỏ, may mắn đá trên sân nhà, không phải di chuyển nhiều nên thể lực tốt nhất. Thêm nữa, họ có cổ động viên nhà và dưới tay nhào nặn của huấn luyện viên mới, họ có tiến bộ đôi chút nên có cơ hội vào bán kết. Do vậy, Malaysia thật sự không phải đối thủ xứng tầm của họ. Không đáng kể.
Còn Việt Nam?
Bao nhiêu lần lở hẹn với chiếc huy chương vàng cho thấy các cầu thủ U23 nhiều thế hệ không đủ bản lĩnh trong những trận đấu lớn. Hơn hết, họ không biết học từ những thất bại của các Seagames trước để xóa bỏ cái dớp "bị tâm lý" khi tiến đến gần gơn chiếc huy chương vàng. Tâm lý sợ thua rất phổ biến trong thi đấu thể thao, nhất là với các cầu thủ trẻ.
Mặt khác, khi gặp lại kẻ bại trận dưới tay mình, người ta thường chủ quan. Và lại... nhất là với cầu thủ trẻ.
Cho nên họ thắng mới là... chuyện lạ!!!
Cho nên chiều nay mình xem trận chung kết bóng đá Seagames với ... tinh thần hết sức thoải mái và rất thanh thản khi tiếng còi mãn cuộc vang lên với kết quả U23 VN thua.
Họ lại lỗi hẹn!
Buồn nhưng phải thông cảm thôi. Họ đã làm hết sức rồi.
Ai từng thi đấu thể thao mới thấu hiểu được áp lực tâm lý đối với vận động viên trong trận đấu cuối cùng. Và, đó chính là trận đấu của bản lĩnh.
Thật đáng tiếc khi chiếc huy chương vàng 50 năm mơ ước lại tuột khỏi tầm tay!!!
Nhưng dù sao cứ nghĩ đơn giản đó cũng chỉ là 1 trò chơi mà thôi. Vậy mà kết quả dự đoán đúng của mình lại bị 1 cô bé phản ứng, thậm chí xúc phạm. Cô ta xem bóng đá bằng tình cảm, không phải lý trí. Như vậy chỉ tự làm khổ mình thôi. Đó cũng là điều đáng tiếc!